"Trước xung đột, Nga tự hào có hệ thống phòng thủ nhiều lớp, hệ thống tác chiến điện tử cảm biến, nhiều khẩu đội tên lửa, cùng radar có khả năng xác định và ngăn chặn những mối đe dọa", tờ Business Insider dẫn lời ông Samuel Bendett, chuyên gia về hệ thống quân sự không người lái và robot thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân ở Mỹ.

Theo ông Bendett, "phần lớn các hệ thống phòng thủ của Nga được thiết kế để xác định và tiêu diệt những mục tiêu lớn hơn như tên lửa, trực thăng, máy bay chiến đấu. Nhiều hệ thống phòng thủ không đạt được hiệu quả trong việc xác định các UAV cỡ nhỏ hơn nhiều".

Binh sĩ Ukraine điều khiển UAV ở vùng Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Việc dùng UAV để tấn công đã trở nên phổ biến trong xung đột ở Ukraine, khi cả Nga và Ukraine thường xuyên khai thác công nghệ này như một phần trong chiến lược quân sự. 

Song hàng loạt vụ tấn công gần đây bằng UAV vào lãnh thổ Nga có thể khiến một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới bị bối rối.

Các sân bay và nhiều địa điểm nằm sâu trong lãnh thổ Nga đã chứng kiến những vụ tấn công bằng UAV trong các tuần gần đây.

Hãng thông tấn Tass từng đưa tin, các UAV Ukraine đã tập kích một sân bay ở thành phố Pskov, phía tây bắc Nga, và làm hư hại 4 máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76.

Bộ Quốc phòng Anh đã gọi sự việc trên là “vụ tấn công có quy mô lớn nhất nhằm vào Nga, kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”. 

Lỗ hổng trong hệ thống phòng không hiện đại

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), các hệ thống phòng không của Nga nằm trong số những hệ thống vũ khí hiện đại nhất trên thế giới, đã được hàng chục quốc gia sử dụng, và có nhiều biến thể khác nhau. 

Trung tâm cũng cho biết mạng lưới phòng thủ của Nga hoạt động theo hệ thống "3 tầng", và khó bị xâm nhập. Nhưng dù hiện đại, những hệ thống này vẫn có lỗ hổng. 

Hồi tháng Bảy, một báo cáo cho hay các UAV đã tấn công và làm hư hại 2 tòa nhà không có người ở tại trung tâm Moscow, dù tòa nhà gần đó có hệ thống phòng không tiên tiến Pantsir-S1 đặt trên mái nhà. 

"Những hệ thống phòng thủ như này không bao giờ là tuyệt đối, vẫn luôn có lỗ hổng để có thể khai thác", ông Bendett nhận định. 

Mới đây, trong bản cập nhật về xung đột ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho hay hàng loạt UAV đã đánh trúng tấn mục tiêu cho thấy Nga có thể đang gặp khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt các UAV đối phương. Điều này có thể khiến Nga phải suy tính lại chiến lược phòng không.

Cũng theo ông Bendett, ngành công nghiệp sản xuất UAV nội địa của Ukraine đã có những bước tiến đáng kể trong giai đoạn xảy ra xung đột với Nga. Kiev còn có khả năng sẽ sản xuất 6 loại UAV tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.

Trên thực tế, Ukraine chỉ có thể sử dụng UAV nội địa để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Nguyên nhân là do các nước phương Tây yêu cầu Kiev không được dùng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.