Theo hãng tin RT, hôm 9/1, phát ngôn Không quân Ukraine Yury Ignat cho biết “các cuộc không kích dữ dội của Nga buộc Ukraine phải sử dụng số lượng phương tiện phòng không tương ứng. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn, do Nga không ngừng tăng cường tấn công”.

Trong 2 tuần qua, Nga đã liên tục không kích, phóng hàng trăm tên lửa và UAV nhằm vào các nhà máy vũ khí, và nhiều mục tiêu ở các thành phố của Ukraine. Cuộc tấn công của Nga vào sáng ngày 8/1 đã hướng tới các cơ sở công nghiệp quân sự ở khu vực Kharkiv, Dnepropetrovsk, Khmelnitsky, và Zaporizhzhia. Kiev thừa nhận các hệ thống phòng không nước này không đánh chặn được hầu hết tên lửa mà Nga đã phóng. 

nga ukraine 17.jpg
Ukraine phóng pháo phản lực hỏa thần nhiệt áp TOS-1A Solntsepyok về phía quân đội Nga gần Kreminna, thuộc vùng Luhansk. Ảnh: Reuters

Theo ông Ignat, Ukraine đang phụ thuộc vào nguồn cung tên lửa cho các hệ thống phòng không mà nước này sử dụng có nguồn gốc từ phương Tây và Liên Xô cũ. Tham gia một hội nghị quốc phòng trực tuyến được tổ chức ở Thụy Điển hôm 7/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, Kiev đang thiếu hệ thống phòng không ở “cả vùng xung đột và tại các thành phố lớn”.

Sự kiệt sức của các hệ thống phòng không Ukraine xảy ra vào thời điểm nhà cung cấp quân sự lớn nhất của Kiev là Mỹ đã hết tiền để gửi thêm vũ khí. Theo đó, đề xuất viện trợ bổ sung 61,4 tỷ USD cho Ukraine từ chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong khi đó, gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54,6 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) cũng chưa được thông qua do Hungary phủ quyết vào tháng 12/2023.

Kiev đang kỳ vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ ngắn hạn từ các quốc gia thành viên NATO, khi liên minh quân sự dự kiến tổ chức họp tại Brussels vào hôm nay (10/1).

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, ông hy vọng cuộc gặp sẽ giúp tăng cường khả năng phòng không của Kiev, trong bối cảnh Nga liên tiếp triển khai các đợt tấn công dữ dội. Theo ông, việc cung cấp tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot, IRIS-T, và NASAMS mà Ukraine đang sử dụng là “ưu tiên hàng đầu cần phải hoàn thành ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai”.