Hôm 14/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, 18/31 thành viên NATO đặt mục tiêu chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay.

Ông nhấn mạnh, đây là mức chi "chưa từng có" của liên minh quân sự. Điều đó có nghĩa là các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu sẽ chi tiêu kỷ lục 380 tỷ USD trong năm 2024. Theo ông Stoltenberg, 13 thành viên còn lại chưa đạt mục tiêu 2% sẽ phải tiếp tục tăng chi tiêu.

trump nato.jpg
Ông Donald Trump nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO không đáp ứng mức chi tiêu quân sự chiếm 2% GDP. Ảnh: Washington Post

Lời hứa tăng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO đã gia tăng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, do các nước lo ngại giao tranh có thể lan sang châu Âu.

Vào năm 2014, khi mức chi quốc phòng chiếm 2% GDP của mỗi thành viên được đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Cardiff tại xứ Wales, chỉ có 3 quốc gia đạt được là Anh, Mỹ và Hy Lạp.

Hôm 10/2, tại một cuộc vận động tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ khuyến khích Nga tấn công bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào không đáp ứng được nguyên tắc chi tiêu quốc phòng. Tuyên bố này nhằm ám chỉ việc sẽ cắt bỏ điều khoản phòng thủ tập thể của NATO.

Theo tờ Telegraph, các nhà ngoại giao NATO thừa nhận cách duy nhất để đảm bảo sự ủng hộ của ông Trump trong trường hợp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, là tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng.

Trên thực tế, ông Trump trước đó từng nhiều lần đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO, nếu các thành viên châu Âu không tăng chi tiêu quân sự để tự bảo vệ mình.

Một nguồn tin cho biết thêm, nếu ông Trump tái đắc cử, NATO sẽ tăng cường tập trung vào các mối đe dọa từ Trung Quốc, và chủ nghĩa khủng bố.

Hiện tại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người sẽ nghỉ hưu sau khi chính phủ mới được thành lập, được coi là ứng viên tiềm năng và là một phần quan trọng trong việc xử lý khả năng ông Trump trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng, và dẫn tới những thay đổi lớn trong NATO.

Các nguồn tin cho hay Anh, Đức và Mỹ đã tự lên tiếng ủng hộ ông Rutte trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO. Bởi ông Rutte được coi là người có đủ kinh nghiệm trên trường quốc tế khi đã giữ chức lãnh đạo ở Hà Lan hơn một thập kỷ.

NATO từng bày tỏ mong muốn có một nữ Tổng thư ký. Nhưng giờ đây, nhiều người tin rằng một nam quan chức có cơ hội tốt hơn để đứng lên chống lại những gì được cho là coi thường phụ nữ từ phía ông Trump.