Xem lại bài 1: ‘Cao tốc hành chính’ bao giờ mới được xây dựng?

Để đột phá về phân công phân cấp, trước hết, cần xác định trung ương là cấp chiến lược. Trong đó các bộ, ngành không phải là những tổ chức quản lý một ngành hay nhiều ngành từ A đến Z dọc theo toàn quốc.

Theo lối cũ này, các cấp địa phương không còn việc gì để làm, và ở tỉnh/huyện/xã chỉ cần một tỉnh trưởng/huyện trưởng/xã trưởng là đủ. Đây là điều không thể chấp nhận bởi các cấp tỉnh/huyện/xã đều là các cấp trong hệ thống chính trị gồm Đảng/Chính quyền/Mặt trận như đã và đang có.

Các bộ, ngành ở trung ương chỉ nên quản lý ngành, lĩnh vực về những vấn đề chiến lược, còn các cấp tỉnh, huyện, xã đảm nhận về chiến thuật. Kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ là kết hợp giữa cấp trung ương làm chiến lược với cấp địa phương làm chiến thuật để hợp lực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước và trong từng vùng lãnh thổ, không bỏ lại phía sau bất cứ địa bàn nào dù là thành phố hay đồng bằng, miền núi, trung du, hải đảo.

Tiêu chí để kết hợp này tự nó đã xóa bỏ cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính lằng nhằng, phức tạp và những kẽ hở gây lãng phí, tham nhũng cho cả cán bộ cấp trung ương và các cấp địa phương. Theo đó, cả nước là một vùng chiến lược, mỗi đơn vị trong 63 tỉnh, thành đều là những vùng chiến thuật của chiến lược đó.

cao toc hanh chinh.jpeg
Cần đột phá về phân cấp tạo thêm một loại “cao tốc hành chính” để quan hệ giữa trung ương và địa phương được thông suốt, tránh bị ách tắc, chồng chéo. Ảnh: Tuấn Kiệt

Tất cả đều có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm để thực hiện chiến lược hoặc chiến thuật của mình. Các cấp tỉnh/thành không phải hết năm này sang năm khác đi xin hết cơ chế đặc biệt này sang cơ chế đặc thù khác mà vẫn không được, hoặc được mà vẫn không đủ.

Kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ theo tiêu chí kết hợp giữa chiến lược với chiến thuật trong thực hiện chức năng của hệ thống hành pháp nhà nước là một sự kết hợp, trong đó người đứng đầu bộ, ngành và cấp tỉnh/thành đều là những cán bộ trong thành phần Ban chấp hành trung ương Đảng.

Họ đã cùng nhau quyết định những vấn đề chung về đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách chung của cả nước để rồi người đứng đầu bộ, ngành chăm lo về chiến lược, còn người đứng đầu tỉnh/thành chăm lo về chiến thuật phát triển.

Sự kết hợp này không phải là kết hợp giữa cấp trên với cấp dưới mà kết hợp giữa chiến lược với chiến thuật trong xây dựng, phát triển đất nước. Chiến lược chỉ có một, còn chiến thuật đa dạng, có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành.

Việc phải “mặc đồng phục” của tất cả các địa phương như nhiều thập niên qua sẽ được bãi bỏ.

Từ mô hình kết hợp này, Thủ tướng chính phủ ngoài việc lãnh đạo một Hội đồng gồm toàn Bộ trưởng như lâu nay, còn cần lãnh đạo một số Hội đồng vùng lãnh thổ mà nhiều năm qua đã có đề xuất nhưng chưa được chấp thuận như Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng, Hội đồng vùng Đông Nam bộ... Còn người đứng đầu các đơn vị cấp tỉnh/thành phố sẽ có những cuộc họp “hội đồng” riêng của mình.

Dù chiến lược hay chiến thuật thì các công cụ về ngân sách, tổ chức bộ máy, cán bộ đều cần được chủ động, không bị động, lúng túng, đợi chờ xin - cho. Ở cấp trung ương, ba loại công cụ này đã luôn luôn được chủ động, vấn đề cần tạo sự chủ động này cho các cấp địa phương.

Riêng đối với ngân sách, việc phân cấp từ trước đến nay vẫn giữ nguyên một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là tập trung cao độ các nguồn thu về ngân sách trung ương, trong đó: Loại thứ nhất, các nguồn chỉ được thu vào ngân sách trung ương; Loại thứ hai, các nguồn được phân chia để vừa thu vào ngân sách trung ương, vừa thu vào ngân sách địa phương với tỷ lệ khác nhau; Loại thứ ba, có các nguồn chỉ thu vào ngân sách địa phương.

Trong ba loại thu đó, loại thứ nhất và thứ ba được giữ ổn định lâu dài; loại thứ hai được coi là chiếc van để điều chỉnh sao cho số tuyệt đối của tổng thu ngân sách địa phương dù tăng đến bao nhiêu thì tổng thu ngân sách địa phương cũng phải dừng lại ở một tỷ lệ phần trăm đã được qui định so với tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn địa phương (ví dụ 21%).

Việc phân định ba loại nguồn thu như vậy đã tự phá vỡ tổng thể kinh tế trên địa bàn các địa phương, trong đó chính quyền địa phương sẽ đặt ưu tiên cao nhất cho chăm lo phát triển có hiệu quả đối với các khu vực thuộc loại thứ ba chứ không phải với loại thứ hai, càng không phải với loại thứ nhất.

Hoạt động của Bộ Tài chính ở trung ương càng phong phú, đa dạng theo ngành dọc từ A đến Z bao nhiêu, thì hoạt động của Sở Tài chính cấp tỉnh/thành càng đơn điệu bấy nhiêu.

Thực trạng này tuy có được cải thiện phần nào qua các thời kỳ, nhưng xuyên suốt vẫn là trung ương chăm lo tập trung cao độ cho ngân sách trung ương trong khi ngân sách địa phương cũng cần được chăm lo cao độ như vậy từ phía trung ương nhưng chưa được hoặc không được.

Để giải quyết tận gốc thực trạng này, cần xóa bỏ việc phân định về kinh tế trung ương - kinh tế địa phương trên phạm vi cả nước và trong từng địa bàn cấp tỉnh/thành  phố; Xóa bỏ việc Bộ làm cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp nhà nước trung ương; chính quyền cấp tỉnh/thành phố làm cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp nhà nước địa phương để mọi doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nhà nước được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước không phân theo theo ba loại thu đã nói ở trên như lâu nay, mà thu theo địa bàn cấp tỉnh/thành phố. Tổng số thu được trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố đương nhiên tạo thành ngân sách cả nước.

Hằng năm và 5 năm, Quốc hội tiến hành phân bổ tổng số thu đó của cả nước cho cả ngân sách trung ương và ngân sách 63 tỉnh/thành theo những mức độ ổn định và khuyến khích cần thiết. Việc gì thuộc chiến lược thì ngân sách trung ương chi, việc gì thuộc chiến thuật thì ngân sách cấp tỉnh/thành phố chi, không có bất cứ tranh chấp, chồng chéo, xin xỏ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương. 

Nói về ngân sách cũng cần nói về bộ máy và cán bộ. Hai công cụ này cũng đã và đang cần được xem xét để có những đột phá đồng bộ với đột phá về ngân sách trong phân công phân cấp giữa trung ương, địa phương thời gian tới.

Tạo ra chiến lược thống nhất, xuyên suốt từ trung ương và chiến thuật uyển chuyển, linh hoạt trong mối quan hệ giữa trung ương và các địa phương hẳn sẽ sớm khai sinh ra loại cao tốc hành chính mà người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thị trường phức tạp và đa dạng đã và đang kỳ vọng.

TS. Đinh Đức Sinh

Tư duy ngược để biến nguy thành cơĐể vượt qua thách thức, phải làm những việc chưa từng có để tạo ra cấu trúc phát triển khác, và đây là cơ hội của cả chính quyền và doanh nghiệp.