Sau dịch bệnh và khó khăn dai dẳng do ảnh hưởng của đại dịch và những nguyên nhân chủ quan, khu vực doanh nghiệp thêm một lần nữa chứng tỏ sức chống chịu dẻo dai hiếm có.

Ngày nay, khu vực này đã trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mà nhiều người vẫn tự hào thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới.

Chúng ta có ngày càng nhiều các sản phẩm, hàng hóa made by Vietnam và make in Vietnam; nhiều doanh nhân đã trở thành tỷ phú đô la; hàng Việt Nam được xuất khẩu đi khắp thế giới.

Tuy vậy, nhìn lại một cách khách quan, khu vực doanh nghiệp vẫn còn rất èo uột, vừa không lớn kịp với thời cuộc, vừa khó đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng.

Hiện, quy mô doanh nghiệp còn quá nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp vừa, còn doanh nghiệp quy mô lớn chỉ tập trung trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn chiếm đa số là 69,3%, doanh nghiệp nhỏ 24,5%, doanh nghiệp vừa 3,5% và doanh nghiệp quy mô lớn chỉ vỏn vẹn 2,6%.

Đa số doanh nghiệp Việt Nam có hiệu quả kinh doanh thấp. Có tới 95% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thua lỗ kéo dài, không có tích lũy để tái đầu tư và không thể lớn lên được.

Mật độ doanh nghiệp trong toàn quốc còn rất thưa thớt. Tính trung bình cả nước chỉ có 9 doanh nghiệp/1.000 dân; có 40 tỉnh có mật độ 4 doanh nghiệp/1.000 dân trở xuống; chỉ có 6 tỉnh có mật độ 12 doanh nghiệp/1.000 dân trở lên.

bai so 37.jpg
Chúng ta có ngày càng nhiều các sản phẩm, hàng hóa made by Vietnam và make in Vietnam. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà.

Sau gần 40 năm đổi mới, số doanh nghiệp còn rất ít trong khi mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 đã lỡ còn mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 trở nên thách thức nếu tính trung bình mỗi tháng vẫn có gần 15.000 doanh nghiệp đóng cửa trong mấy năm gần đây.

Hiện thực hóa khát vọng

Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, các định hướng và yêu cầu về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã được thể hiện khá đậm nét. Chiến lược xác định “phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới….; hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, và xếp thứ ba trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”.

Bên cạnh đó, Chiến lược đặt trọng tâm đột phá thể chế là phát triển đồng bộ thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố nguồn lực, thay vì cấp phát, xin – cho kém hiệu quả.

Những mục tiêu này thể hiện khát vọng hiện thực hóa các mục tiêu lớn hơn đến 2030 và 2045.

Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, tổng số điều kiện kinh doanh đến hết năm 2016 có khoảng 6.000, trong đó khoảng một nửa là không cần thiết, không rõ ràng, không hợp lý, không có hiệu quả về quản lý nhà nước hoặc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những điều kiện kinh doanh như vậy thường được thể hiện dưới hình thức quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, đề án, quy hoạch,…

Điều rất đáng mừng với cộng đồng doanh nghiệp là các bộ, ngành đã chính thức cắt bỏ và đơn giản hóa 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh. Nhiều cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh được ghi nhận trong giai đoạn 2016-2018.

Tuy vậy, từ năm 2020 đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh nói chung và cắt bỏ các điều kiện kinh doanh có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa rủi ro đối với doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, khoảng 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; hơn 61% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong hoạt động xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Luật Đầu tư đã xác định danh mục cấm đầu tư kinh doanh và danh mục 227 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy vậy, thực tế có thể đến cả ngàn ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và hàng ngàn quy định về điều kiện kinh doanh mà hiện nay không còn có cơ quan nào rà soát, thống kê.

Những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp xuất phát từ nhiều phía, trong đó không thể không kể đến khó khăn từ tình trạng trì trệ của bộ máy nhà nước. Không ít cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Hiện tượng này là chưa từng có kể từ khi tiến hành Đổi mới, chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong mấy chục năm nay.

Không ít cán bộ nói rằng, họ làm như vậy là để chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ rủi ro, chứ không phải cố tình đùn đẩy và né tránh trách nhiệm; rằng họ chỉ ra quyết định về một vấn đề nào đó thuộc thẩm quyền khi họ được bảo đảm an toàn 100% về mặt pháp lý.

Còn các cơ quan quản lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng thì xin ý kiến lòng vòng tất cả các cơ quan có liên quan rồi  mới ra quyết định trên cơ sở đồng thuận. 

Hệ quả là công việc mà doanh nghiệp và người dân cần đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hoặc không được giải quyết được, hoặc được giải quyết rất chậm, kéo dài thời gian và tốn kém chi phí gấp nhiều lần so với trước.

Những khó khăn, vướng mắc, ách tắc do thể chế được doanh nghiệp và người dân phản ánh không được quan tâm giải quyết.

Những cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo chùn lại. Bộ máy trì trệ kéo theo sự trì trệ của hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và sự vận hành thông suốt của nền kinh tế nói chung.

Tôi cho rằng, có 2 nguyên nhân chủ yếu.

Một là, hệ thống pháp luật của chúng ta quá phức tạp. Một vấn đề pháp lý được quy định tại nhiều văn bản khác nhau với các cấp độ khác nhau; không ít quy định không rõ ràng, không cụ thể, chồng chéo, xung đột nhau, có thể hiểu nhiều cách; và cuối cùng không biết đúng là thế nào, sai là ra sao mà ví dụ rõ nhất là trường hợp TP.HCM mà nhiều người đã biết.

Hai là, để tránh rủi ro sau này, các cán bộ phải làm đúng quy định một cách tối đa có thể được; và nếu không biết làm thế nào là đúng hoặc chưa thật an toàn, thì họ chưa làm. Xét về quyền và lợi ích cá nhân họ, thì không làm tốt hơn làm, làm ít tốt hơn làm nhiều, làm chậm tốt hơn làm nhanh; trong trường hợp cần thiết thì “câu giờ” bằng nhiều cách khác nhau.

Niềm tin 

Nền kinh tế nước ta chịu tác động liên tục bởi mấy cú sốc do đại dịch Covid-19, sụt giảm nhanh cầu nhập khẩu và lạm phát từ bên ngoài và những khó khăn nội tại bộc phát gần đây.

Theo khảo sát của VCCI năm 2023, chỉ có 35% số doanh nghiệp tư nhân trong nước và 33% doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh trong 2 năm tới, là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2014.

Trước tình trạng đó, chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp đang tập trung thời gian, trí tuệ và nguồn lực giải quyết các vấn đề, vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển, duy trì việc làm cho người lao động. Trong lúc này, không nên lập các đoàn đến kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, không sửa đổi các nghị định, thông tư một cách đột ngột và giật cục, làm gián đoạn, đứt gãy hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Không phải cứ có sai phạm gì đó xảy ra là do thiếu quy định, hay quy định không đủ chặt chẽ và phải yêu cầu sửa đổi  ngay các quy định có liên quan, làm cho tuổi thọ của văn bản pháp luật quá ngắn, làm xáo trộn cuộc sống và sinh kế của người dân, doanh nghiệp. Bất cứ sự việc nào xảy ra, cần có nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, xác định vấn đề và đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất.

Hạn chế và tiến tới tuyệt đối không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. Tất cả các vi phạm hợp đồng giữa các bên liên quan không phải, không thuộc đối tượng xử lý hình sự, mà  phải xử lý qua trọng tài hay tòa án kinh tế.

Tăng trưởng năm 2023 dự kiến khoảng 5% và dự kiến sẽ khoảng 6-6,5% năm 2024. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% như kế hoạch thì tăng trưởng năm 2025 phải đạt 13-13,5%. Tốc độ tăng trưởng này Việt Nam chúng ta chưa bao giờ đạt được kể từ Đổi mới và tốc độ cao nhất mà chúng ta đạt được là 9,54% năm 1995.

Nếu tăng trưởng không đủ cao liên tục, Việt Nam rất khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo.

Vì vậy, rất cần có đổi mới mạnh mẽ về tư duy và những cải cách đột phá, phi truyền thống để vượt qua được mức tăng trưởng chỉ trung bình được dự báo là khoảng 5,5% trong các năm tới và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược 10 năm, 25 năm tới đã đặt ra.

 Những kinh nghiệm và diễn biến thực tế ở nước ta trong mấy thập kỷ qua cho thấy trong các thời điểm khó khăn, việc cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là nhân tố cần thiết để tạo động lực và niềm tin. Có niềm tin là có cơ sở vững chắc nhất trong việc vươn lên, đưa đất nước bước vào thời kỳ mới hứa hẹn hơn.

TS Nguyễn Đình Cung

‘Không hình sự hóa’ và món nợ thể chếĐề xuất “xử lý hình sự” đối với trường hợp bỏ cọc chỉ là ý kiến cho một dự luật cụ thể, nhưng điều đáng lo là cách tiếp cận này dường như đang trở thành một xu thế - hình sự hóa các quan hệ kinh tế.