Gần đây, tôi gặp một số doanh nhân và lãnh đạo tỉnh Bến Tre, địa phương chịu tác động của biến đổi khí hậu trầm trọng nhất Việt Nam. Họ kể, doanh nghiệp ở Bến Tre đang gặp thách thức và khó khăn chưa từng có vì nước biển dâng. Cả tỉnh có nhiều sông ngòi, nước ngọt về ít, nước biển dâng làm nước mặn xâm nhập khắp nơi. Doanh nghiệp và người dân không làm ăn gì được, đến nước uống cũng thiếu và cũng chưa biết làm thế nào để thoát ra tình cảnh này.

Tôi nói với họ rằng, để giải quyết được vấn đề này cần có tư duy lật ngược tình thế và chỉ có mỗi một cách, đó là biến thách thức thành cơ hội. Chính quyền cần nhận thức được thách thức, tạo cơ hội cho doanh nghiệp; còn doanh nghiệp hưởng ứng, tận dụng cơ hội đó thì mới vượt qua nghịch cảnh này.

Bến Tre thiếu nước ngọt là thách thức, nếu ai biết tạo ra nước ngọt thì thách thức sẽ thành cơ hội. Họ có cơ hội là đào giếng và nuôi thủy sản giống khác với truyền thống để thích nghi với nạn xâm mặn.

Tư duy ngược như vậy có hàm ý rằng, để vượt qua thách thức phải làm những việc chưa từng có để tạo ra cấu trúc phát triển khác, và đây là cơ hội của cả chính quyền và doanh nghiệp.

Nhìn rộng ra, những thách thức của nước ta cũng có thể được biến thành cơ hội phát triển. Điều quan trọng là cần biết tạo ra những chính sách đúng hướng, để từ đó, khó khăn, thách thức lại trở thành động lực và cơ hội phát triển. Còn nếu cứ nhìn thách thức để than vãn, kêu ca thì chả bao giờ vượt qua nghịch cảnh.

Tư duy lật ngược tình thế, biến thách thức thành cơ hội đang trở thành nguồn cảm hứng phát triển và được đồng thuận ở nhiều nơi.

Quảng Ninh là một ví dụ sinh động. Tỉnh này trước đây có hạ tầng kém phát triển; đi lại, thông thương với các tỉnh và vùng lân cận rất khó khăn.

bai so 35 anh hoang ha.jpg
Cần tạo không gian hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Để hóa giải thách thức đó, Quảng Ninh mời gọi doanh nghiệp tư nhân vào làm sân bay Vân Đồn, làm đường cao tốc. Sân bay Vân Đồn, tuyến cao tốc từ Hạ Long đi Móng Cái, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với cao tốc Hải Phòng – Hà Nội đã giúp Quảng Ninh trở thành một tỉnh thông thương với trong nước và quốc tế thuận lợi bậc nhất Việt Nam. Yếu kém về cơ sở hạ tầng đã được giải quyết.

Nhưng đáng tiếc, sân bay Vân Đồn lại chưa thông được với quốc tế. Quảng Ninh đã phát triển tốt về hạ tầng nhưng lại không có cơ cấu đồng bộ đi kèm. Sân bay quốc tế lẽ ra phải thông thương với quốc tế. Tắc chỗ này khiến thị trường du lịch không phát triển đi lên tương ứng với hạ tầng được. Như vậy, điểm nghẽn này cần được khơi thông, tạo cơ hội để Quảng Ninh kết nối với quốc tế.

Không gian rộng mở cho khu vực tư nhân

Nhìn rộng ra, cả đất nước sắp được khơi thông khi tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam, tuyến ven biển sắp hoàn thành trong một vài năm nữa. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam lại tham gia xây dựng các tuyến này chứ không phải các chủ đầu tư nước ngoài.

Đường của mình, tiền của mình đã được trao cho các doanh nghiệp Việt Nam để họ nâng cao năng lực tài chính và kỹ thuật. Nút thắt về cơ sở hạ tầng từng là thách thức lớn bậc nhất thì nay lại trở thành cơ hội cho phát triển, trong đó doanh nghiệp Việt Nam được trao cơ hội. Động thái này là rất đáng khích lệ hơn là trao cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài để họ đầu tư.

Với cách tư duy và cách làm như vậy, Việt Nam đã làm được nhiều tuyến đường cao tốc dài nhất, nhanh nhất, điều chưa từng có trong lịch sử đất nước.

Từ góc độ kết nối liên thông đường xá, chúng ta cần có xa lộ thông tin cho chuyển đổi số, big data... Chúng ta cũng cần đón nhận thách thức chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thị trường carbon như là cơ hội. Cấu trúc hạ tầng của nền kinh tế thay đổi sẽ tạo ra nhiều cơ hội nếu biết tận dụng.

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn còn ôm đồm nhiều quá, ví dụ như trong xây dựng cao tốc Bắc Nam và chưa phù hợp với Luật TPP vốn khuyến khích đầu tư tư nhân. Lẽ ra, Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư hơn là Nhà nước đứng ra làm.

Trong cơ cấu thị trường, Nhà nước cũng còn giữ nhiều quá so với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đến nay mới cổ phần hóa được có 8% vốn ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Như thế thì không giải quyết được vấn đề về cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế dù có nhiều chủ trương, chính sách. Nếu cổ phần hóa chậm quá thì nền kinh tế rất khó chuyển đổi và vận hành hiệu quả hơn.

Khu vực tư nhân tiếp quản phần tài sản quốc gia từ doanh nghiệp nhà nước, họ quản trị tốt hơn và mang lại lợi ích từ số tải sản đó nhiều hơn thì không những Nhà nước thu được thuế nhiều hơn mà đất nước có được nhiều nguồn lợi hơn về tổng thể. Hơn nữa, Nhà nước bán cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước thì có tiền để làm nhiều việc khác tốt hơn, hiệu quả hơn. Quan điểm này đã được thống nhất nhưng triển khai chậm chạp.

Cách tiếp cận với khu vực kinh tế tư nhân như vậy dẫn đến thực tế là khu vực doanh nghiệp tư nhân quá yếu kém và không lớn lên được. Nền kinh tế phát triển nhanh nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển hoàn toàn không tương xứng, và còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Trong khi đó, khu vực FDI ngày càng vượt trội khu vực tư nhân trong nước và nền kinh tế dường như nhị nguyên với khu vực FDI lấn át. Chúng ta ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI trong khi khu vực này gần như không có tác dụng lan tỏa, không có tác dụng dẫn dắt về công nghệ.

Nói như vậy, tôi không có ý chê bai việc thu hút khu vực FDI, mà muốn nhấn mạnh rằng, cần tạo không gian hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, đừng gây khó khăn, phiền hà cho họ.

Thể chế của chúng ta vẫn còn trói buộc cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp. Nhiều nguồn lực vẫn theo cơ chế cấp phát, xin cho hơn là được phân phối theo cơ chế thị trường, cạnh tranh và bình đẳng,

Chúng ta đã có gần 40 năm Đổi mới, kinh nghiệm quản lý đã rất phong phú và khu vực doanh nghiệp tư nhân đã được thực chứng về hiệu quả. Nếu khu vực này phát triển èo uột như hiện nay, thì làm sao thực hiện thành công các mục tiêu 2030, 2045?

Nhiều chủ trương, chính sách đã được thiết kế công phu, bài bản, nhưng chưa được thực hiện nhất quán trong thực tiễn. Trong không ít trường hợp, chúng ta đã biến cơ hội thành thách thức vì đơn giản là không nhận ra cơ hội, hay bỏ qua cơ hội.

Ngày nay, các cam kết hội nhập mạnh mẽ đang tạo ra nhiều áp lực phải thay đổi để nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn và chủ động, tự chủ hơn. Đó là thách thức vô cùng lớn, nhưng hãy cùng tư duy ngược để thấy đâu là cơ hội cho chúng ta trong đó. 

TS Trần Đình Thiên