Thành ủy TP.HCM vừa ban hành quy định về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trên địa bàn thành phố. 

Quy định đề cập đến nguyên tắc, thẩm quyền; quyền, nghĩa vụ của người cung cấp thông tin; trách nhiệm của người tiếp nhận, xử lý thông tin và trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý thông tin để chi trả, hỗ trợ (gọi tắt là mua tin) cho người cung cấp thông tin phản ảnh về hành vi tham nhũng, tiêu cực với Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo PCTN TC TPHCM để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.

Người cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đang sinh sống, làm việc và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; không bao gồm tổ chức, cá nhân chuyên trách trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực và cán bộ, công chức, nhân viên tại cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.

Người tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Thành ủy.

10 triệu đồng/tin báo

Theo Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM, việc mua tin không phải là một giao dịch dân sự. Đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM cũng đưa ra nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin.

Theo đó, việc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin phải đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc "đơn tuyến", nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian.

Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã số. Ban Thường vụ Thành uỷ cũng yêu cầu bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Các thông tin, tài liệu của người cung cấp thông tin phải được thẩm tra, xác minh, sử dụng, quản lý hiệu quả, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Người cung cấp thông tin sẽ được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin; được nhận khoản tiền mua tin theo Quy định này nếu thông tin cung cấp chính xác, giúp các cơ quan chức năng có cơ sở thẩm tra, xác minh và xử lý được hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, còn được xem xét khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được bảo vệ khi có biểu hiện bị đe dọa, trả thù, trù dập. Kết quả xác minh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ được thông tin đến cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin.

Người cung cấp thông tin có nghĩa vụ cung cấp, bổ sung các thông tin, tài liệu về các hành vi tham nhũng, tiêu cực; không được phát tán, tiết lộ, hủy hoại tin, làm sai lệch thông tin gốc trong thời gian cơ quan chức năng chưa có kết luận thẩm tra, xác minh thông tin.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.

Người cung cấp thông tin sẽ được nhận được số tiền không vượt quá mức quy định là 10 triệu đồng/tin (vụ việc).

Trường hợp thông tin do nhiều người cung cấp và được gửi đến nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị thì chỉ được xem xét chi trả tiền mua tin 1 lần/ 1 vụ việc...

Trường hợp người cung cấp thông tin không có nhu cầu nhận tiền mua tin, sẽ được xem xét khen thưởng nếu thông tin có giá trị trong công tác PCTNTC.

Trong trường hợp các thông tin cung cấp không dẫn đến việc xử lý tổ chức hoặc cá nhân nhưng có giá trị ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thì Thủ trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định chi tiền mua tin ngoài quy định.

Thành ủy cũng quy định, cơ quan và người có thẩm quyền tổ chức thực hiện mua tin gồm: Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố.

Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Trưởng Ban Nội chính Thành ủy) là người được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố giao quyền duyệt chi tiền mua tin và chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện mua tin theo Quy định này.

Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Trưởng Ban Nội chính Thành ủy) chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo về tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin; đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng  bảo vệ người tố cáo để bảo vệ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết.

Trường hợp không thụ lý thông tin được cung cấp, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTNTC có trách nhiệm thông báo cho người cung cấp thông tin, hoàn trả văn bản, tài liệu có liên quan hoặc thực hiện lưu trữ theo quy định.

Người cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP bằng các hình thức sau: Cung cấp thông tin trực tiếp cho người (hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp.

Cung cấp thông tin gián tiếp bằng văn bản qua đường bưu điện; qua hộp thư điện tử của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ngoài ra, người cung cấp thông tin có thể liên hệ với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tại Ban Tiếp công dân TP.HCM, số 15 đường Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM; Trụ sở làm việc của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy): Số 137 Trương Định, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.