Trong khoảng 5 năm nay, các hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu trong lĩnh vực CNHT được Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức liên tục và đạt hiệu quả lớn, tạo cơ hội để các DN CNHT Việt Nam có thể gặp gỡ, tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, công nghệ và cơ hội đầu tư.

Hà Nội là đơn vị đi đầu trong hoạt động này. Năm 2023, Hội chợ công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô (23-25/8) thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài đến từ các Tập đoàn lớn của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia trưng bày, giới thiệu. Đây là chương trình thường niên được TP Hà Nội tổ chức từ năm 2017 đến nay. 

"Các sản phẩm tham gia hội chợ có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác, máy công nghiệp các loại; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao... Thông qua hội chợ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu, phát huy thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Tại Đà Nẵng, Triển lãm và hội chợ công nghiệp hỗ trợ 2023 cũng diễn ra ngày 12-14/9 với sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp trong nước và quốc tế; quy mô hơn 160 gian hàng, trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo thuộc các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, dệt may và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác mở rộng theo chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP Đà Nẵng.

W-vimexpo-2023-2.jpg
Các hội chợ, triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ diễn ra sôi động năm 2023

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: “Đây sẽ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo môi trường kết nối giao thương trực tiếp, thúc đẩy liên kết, hợp tác, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh tại TP Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên với doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia”.

Tại TP. HCM, Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2023 (VSIF 2023) do Sở Công Thương TPHCM chủ trì và Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM (trực thuộc Sở) tổ chức, cũng đã diễn ra từ ngày 7-9/12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM. Quy mô triển lãm năm nay có khoảng 100 gian hàng của các DN, trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp hỗ trợ, linh kiện sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của DN nhỏ và vừa tại TPHCM và các địa phương. Đồng thời quảng bá các chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TPHCM.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, đại diện Ban tổ chức cho biết, sự kiện lần này có sự tham gia của các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, quốc tế và các công ty thương mại bao gồm các DN sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các nhóm sản phẩm ngành cơ khí, cao su - nhựa cùng DN các nước trong khu vực ASEAN, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các DN đầu cuối.

Đặc biệt, ấn tượng lớn nhất là Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo - VIMEXPO 2023 do trực tiếp Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chủ trì. Đây được coi là “điểm gặp gỡ lý tưởng” giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

VIMEXPO 2023 có qui mô 7000m2, với 200 gian hàng của hơn 180 doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều Tập đoàn lớn như Thaco, Toyota, TCT Veam, Samsung Việt Nam, Kowang... cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Với mục đích kết nối các doanh nghiệp là người mua và người bán một cách trực tiếp, Ban tổ chức VIMEXPO đã tạo ra buổi gặp gỡ với 12 người mua từ các công ty nổi bật về ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo để trực tiếp gặp gỡ gần 100 Nhà trưng bày của chương trình qua hình thức 1:1 trong khuôn khổ triển lãm. Gần 150 phiên họp đã hoàn thành trong vòng 3 tiếng diễn ra hoạt động này.

W-vimexpo-2023-1.jpg
Buổi tiếp xúc giữa người mua và người bán trong khuôn khổ triển lãm CNHT Vimexpo

Theo ông Hiroyuki Ueda – Chủ tịch Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV), VIMEXPO là cầu nối quan trọng giúp các đơn vị sản xuất có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm và mở rộng mạng lưới nhà cung ứng. Bằng chứng là tại triển lãm VIMEXPO 2020-2021, Toyota Việt Nam đã kết nối được với hơn 20 nhà cung ứng tiềm năng, một trong số đó đã trở thành nhà cung cấp chính thức cho TMV từ 2021.

 "Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo tạo bài bản", Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho chia sẻ.

Samsung cho đến nay đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 là doanh nghiệp Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam gần 30 lần sau 15 năm, lên tới khoảng 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Hoàng Hiệp