Hôm 8/12, Tổng thống Vladimir Putin thông báo ông sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2024.  

Theo hãng tin Reuters, nhiều người cho rằng chiến thắng của ông Putin là điều có thể đoán trước. Tuy nhiên, nếu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5, ông Putin cũng sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn và thách thức liên quan tới các vấn đề trong nước và quốc tế. 

nga putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Xung đột Ukraine

Sau hơn 21 tháng bùng nổ xung đột Nga – Ukraine, các lực lượng Nga đang nắm quyền kiểm soát khoảng 1/6 lãnh thổ Ukraine. Tình hình trên chiến tuyến trong năm qua không có sự thay đổi đáng kể, do cuộc xung đột đã chuyển sang thành cuộc chiến tiêu hao.

Một số nhà phân tích nhận định, ông Putin dường như tin thời gian đang ủng hộ ông. Bởi theo Moscow, các khoản hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine sẽ giảm dần, nhất là khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới.

Nếu ông Trump chọn leo thang căng thẳng, ông Putin sẽ huy động nguồn nhân lực dự trữ dồi dào bằng cách tiến hành thêm một đợt tuyển quân mới. Hồi tháng 9/2022, ông Putin cũng đã hạ lệnh tuyển mộ 300.000 quân.

Tuy nhiên, ông Putin có thể biến xung đột Ukraine thành "cuộc xung đột đóng băng", khi Nga cố gắng duy trì quyền kiểm soát lâu dài ở phía nam và đông Ukraine. 

Chính sách đối ngoại

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây bị cắt đứt. Ông Putin đã thi hành chính sách kết thân hơn với Trung Quốc và Ấn Độ. Nga xem đây là một phần trong nỗ lực phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong các mối quan hệ quốc tế, đồng thời xây dựng cái mà ông Putin gọi là "thế giới đa cực". Ngoài ra, Nga còn mở rộng quan hệ với châu Phi, Trung Đông, và châu Mỹ Latinh. 

Trong những tháng gần đây, ông Putin còn có các cuộc gặp với giới lãnh đạo Triều Tiên và Iran, 2 nước vốn có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ. 

Nếu ông Putin tái đắc cử vào năm tới, ông có thể sẽ thúc đẩy thêm mối quan hệ của Nga với nhóm BRICS mở rộng. Bởi Moscow đang muốn sự hợp tác của BRICS không chỉ dừng lại ở thương mại, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như không gian, thể thao. 

Vũ khí hạt nhân

Tổng thống Putin từng nhiều lần ca ngợi quy mô và khả năng của kho vũ khí hạt nhân do Nga chế tạo. Ông cho biết khả năng Nga có thể tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 1990 dưới thời Liên Xô cũ, nhưng Moscow sẽ không thử nghiệm trừ khi Mỹ làm như vậy. 

Trong khi đó, triển vọng về một hiệp ước gia hạn hoặc kế thừa cho thỏa thuận New START nhằm hạn chế số lượng đầu đạn chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai hiện vẫn rất mờ mịt. New START cũng là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Nga – Mỹ, và sẽ hết hạn vào tháng 2/2026. 

nga putin 1.jpg
Ảnh: Reuters

Thương mại và năng lượng

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Nga đã mất đa phần thị trường năng lượng lớn ở châu Âu. Để bù đắp, Nga đang kỳ vọng vào 3 dự án mới có quy mô lớn. Thứ nhất, một "trung tâm khí đốt" mới ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt. Thứ hai, đường ống mới có tên Power of Siberia 2 sẽ gúp Nga đưa thêm 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Thứ ba, việc mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc nhờ băng ở Bắc Cực tan chảy giúp kết nối tỉnh cực bắc Murmansk gần biên giới Nga với Na Uy đến eo biển Bering gần Alaska.

Trong nhiệm kỳ mới, những thành tựu trong các vấn đề trên sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thành công của ông Putin trong nỗ lực giảm bớt tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây, và xoay trục thương mại Nga về phía đông.

Kinh tế trong nước

Theo ông Putin, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững dù đối mặt với làn sóng trừng phạt của phương Tây. Vào tháng 10, GDP của Nga đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng trưởng chủ yếu bắt nguồn từ gia tăng sản xuất quân sự. Quốc phòng và an ninh dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% chi tiêu ngân sách của Nga trong năm 2024.

Tuy nhiên, hàng trăm nghìn người Nga bao gồm nhiều chuyên gia trẻ và chuyên gia công nghệ thông tin (IT) đã rời khỏi đất nước kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, khiến Moscow rơi vào cảnh thiếu lao động trong các ngành công nghiệp chủ chốt. 

Lạm phát ở Nga hiện ở mức trên 7% và lãi suất là 15%. Trong những năm cầm quyền, ông Putin nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận nhờ nâng cao được đời sống người dân, nhưng giờ đây mục tiêu này không hề dễ dàng. 

Thay nhân sự cao tuổi

Hồi tháng 10, ông Putin đã đón sinh nhật lần thứ 71. Ông Putin sẽ kết thúc nhiệm kỳ 6 năm vào lúc 77 tuổi, nếu ông tái đắc cử Tổng thống Nga vào năm tới.  

Tuy nhiên, một số quan chức hàng đầu trong bộ máy của ông Putin đều đã lớn tuổi hơn ông như Giám đốc Cơ quan an ninh liên bang (FSB) Alexander Bortnikov (72), Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev (72), và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov (73). Bộ trưởng Quốc phòng Soigu cũng đã 68 tuổi.

Dù rất ít khi thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo, nhưng vấn đề tuổi tác có thể khiến ông Putin buộc phải làm điều này trong nhiệm kỳ mới.