Brother là 1 công ty chuyên sản xuất ốc vít ở Bắc Ninh, thành lập từ năm 2012. TGĐ Nguyễn Tiến Thưởng vốn là cựu sinh SV Đại học Bách khoa Hà Nội, là đội trưởng đội vô địch Cuộc thi sáng tạo khoa học Robocon năm 2005. Ông vừa tiếp 1 đoàn khách tìm đối tác sản xuất ốc vít cho thị trường Đức. Theo vị Tổng giám đốc này, tiềm năng hợp đồng lên tới 50 tỷ đồng/năm. Công ty hoàn toàn có thể đáp ứng được 20-30 tỷ đồng. 

Công ty dụng cụ chính xác An Mi sản xuất sản phẩm chính là máy CNC và dụng cụ cắt. Những sản phẩm cơ khí chính xác này được cung cấp cho nhà máy của Yamaha, Toyota. Đồng thời, sản phẩm cũng được xuất khẩu đi các nước EU.

10 năm thành lập, đến nay An Mi gần như là nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam hiếm hoi nằm sâu trong chuỗi cung ứng sản xuất ngành ô tô, tương thích với dây chuyền sản xuất của các nhà sản xuất ô tô. 

5 năm trở lại đây, doanh thu của An Mi tăng tốc đáng kinh ngạc. Doanh thu ba năm gần nhất là 220 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 đạt doanh thu 235 tỷ đồng, năm 2022, 260 tỷ đồng, mục tiêu doanh thu năm 2023 là 350 tỷ đồng. 

“Trước đây, chúng tôi làm nhập khẩu các sản phẩm cơ khí chính xác từ Đức. Khi muốn mở công ty, đối tác Đức nói, Việt Nam không làm được đâu. Nhưng bây giờ, chúng tôi đã làm được. Chúng tôi muốn khẳng định giá trị Việt Nam ngay ở các nước phát triển như Đức”, TGĐ Nguyễn Hồng Phong cho biết.

Có thể nói rằng, chỉ có đi ra thế giới, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới có thể định vị cho Việt Nam một vị thế mới trong ngành công nghiệp.  Họ là số ít trong hàng nghìn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu, tìm kiếm đơn hàng, tạo dựng uy tín ngay trên sân nhà và trên trường quốc tế. Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ cần nhiều hơn những doanh nghiệp như thế để công nghiệp Việt Nam vươn lên tự chủ.

Mời theo dõi video phóng sự do VietNamNet thực hiện:

VietNamNet