Sáng 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm, làm việc với Trường Đại học FPT và Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. 

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tập đoàn FPT đã báo cáo Thủ tướng về việc thành lập Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3/2022. Đây là bước đi góp phần thực hiện giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ người Việt Nam từ 1979 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ủng hộ FPT phát triển chip bán dẫn. 

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, năm 2022 FPT Semiconductor thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024, 2025. 

“FPT đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản. Dự kiến 2023, FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới. Đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản”, ông Nguyễn Vinh Quang nói. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm, làm việc với Trường Đại học FPT và Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) sáng ngày 14/4

Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn đã được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước,... của Chính phủ. Mặc dù là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng Việt Nam chưa có các giải pháp đặc biệt và đầu tư nguồn lực từ Nhà nước để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Việt Nam chưa có chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia để có kế hoạch phát triển, lộ trình phù hợp, đồng thời cũng chưa có cơ quan, bộ phận chuyên trách về phát triển ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có chính sách ưu đãi và hoặc trợ cấp, hỗ trợ tài chính đặc thù cho lĩnh vực bán dẫn phát triển.

HIện tại, theo Nghị định 111/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm chip bán dẫn nằm trong nhóm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao được ưu tiên phát triển. Theo đó, Nghị định đã liệt kê danh sách nhóm các sản phẩm linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị như máy vi tính, các loại chip vi xử lý...

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chip bán dẫn, FPT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tập trung phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực thiết kế chip bán dẫn.  

Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor: Việt Nam cần thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực

“Việt Nam cần thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực về lâu dài giống mô hình các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Việt Nam cũng cần thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào việc xây dựng nhà máy, đào tạo nhân sự cho ngành này”, ông Nguyễn Vinh Quang đề xuất.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua những thăng trầm trong quá khứ, việc FPT chọn con đường phát triển CNTT, công nghệ số và thiết kế sản xuất phần mềm, sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với FPT và xu hướng của thời đại.

“Cách làm này cũng phù hợp với hoàn cảnh của đất nước ta, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”, Thủ tướng nói. 

Trước các đề xuất về việc thành lập trung tâm kết nối các nguồn lực hỗ trợ ngành bán dẫn, Thủ tướng khẳng định Chính phủ chắc chắn sẽ thực hiện điều này.

Trọng Đạt