Xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, kết hợp văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, tư duy sản xuất...

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm khơi dậy và phát huy sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Để khơi thông những rào cản, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số Raglai trên địa bàn xã đã tích cực đi đầu trong công tác vận động người dân thay đổi tư duy, lối sống cùng địa phương tham gia hưởng ứng xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”. 

anh man hinh 2024 02 21 luc 145717.png
Đảng viên dân tộc thiểu số tiên phong xây dựng du lịch cộng đồng ở Ninh Thuận.

Theo đó, sau khi tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn xã Phước Bình đã có 120 hộ dân Raglai tham gia, trong đó có 60 hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu và có nguyện vọng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Đảng ủy và UBND xã Phước Bình đã tiến hành định hướng xây dựng các hạng mục phục vụ cho mô hình từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và người dân bỏ ra đầu tư: xây dựng nhà sàn cho 60 hộ với tổng mức đầu tư mỗi hộ 20 triệu đồng (trong đó thôn Bố Lang 20 hộ, thôn Hành Rạc 2 có 40 hộ); xây nhà vệ sinh cho 120 hộ dân với tổng mức đầu tư mỗi hộ 10 triệu đồng; cải tạo cảnh quan như trồng hoa, cây xanh với tổng mức đầu tư mỗi hộ là 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn lắp đặt thiết bị thu gom rác thải, biển báo, biển chỉ đường hướng dẫn với mức đầu tư là 50 triệu đồng.

Trên cơ sở Đề án Phát triển du lịch cộng đồng thí điểm tại địa bàn xã Phước Bình giai đoạn 2019 - 2022 theo Quyết định số 1189 ngày 23/7/2019 của UBND huyện Bác Ái, lượng khách tham quan đến các điểm du lịch sinh thái, văn hóa tại địa bàn xã Phước Bình đã có bước tăng trưởng đáng kể, nhất là vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Mỗi năm, Phước Bình đón khoảng từ 5.000 – 7.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Đại diện Đảng uỷ xã Phước Bình cho biết, trên địa bàn xã có 5 dân tộc anh em gồm: Kinh, Chăm, Raglai, Churu cùng sinh sống và rất đoàn kết. Từ khi có chủ trương phát triển du lịch, bà con đã thay đổi tư duy trong sự phối hợp, liên kết làm ăn phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là chuyển đổi giống cây trồng. Đến nay, đã có thay đổi rõ rệt khi bà con biết buôn bán, tiếp cận đa chiều. 

Để góp phần đưa Phước Bình phát triển thành làng du lịch cộng đồng đặc trưng và nhân rộng ra các làng du lịch cộng đồng khác của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới, những đảng viên người Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong viêc vận động người dân cùng địa phương tham gia hưởng ứng xây dựng và phát triển mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”.

Khánh Vy