Chiều 31/10, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi trao đổi với báo chí xung quanh chủ trương “mua tin” phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Thường trực Thành ủy, chủ trương trên là một trong những giải pháp để tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), cũng như tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với công tác này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt từ khi Ban Chỉ đạo PCTNTC thành lập từ năm 2022 đến nay. Việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định 1269 cũng là một trong các giải pháp đồng bộ để đưa chủ trương của Đảng về PCTNTC đi vào thực tiễn.

Thường trực Thành ủy cũng cho biết, do mới ban hành quy định nên chưa có thước đo đánh giá hiệu quả cụ thể. Tuy nhiên, qua việc sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 1374 của của Thành ủy TP.HCM, thành phố tin rằng sẽ tăng cường hiệu quả công tác PCTNTC trên địa bàn.

thamnhung 1 1241.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì một cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM.

Khi ban hành quy định này, thành phố mong muốn đưa chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Trong đó, có nhiều giải pháp, chương trình để thực hiện thì đây là một trong những giải pháp đó.

Bên cạnh đó, thành phố căn cứ trên chỉ đạo của Trung ương, kinh nghiệm của một số tỉnh thành, tình hình thực tiễn tại thành phố để ban hành chủ trương này, và cũng trên cơ sở thống nhất cao của Ban Thường vụ Thành ủy.

Chủ trương này là một bước kế thừa, phát huy Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong 5 năm gần đây, khi thực hiện Quy định 1374, đã tiếp nhận 9.864 thông tin phản ánh. Qua đó, đã xử lý 9.609 thông tin, với kết quả 15 tổ chức đảng bị kỷ luật, 12 tổ chức bị khiển trách và 3 tổ chức bị cảnh cáo. Về cá nhân, có 405 đảng viên bị kỷ luật. Về mặt chính quyền, có 453 cán bộ bị kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Trên cơ sở sơ kết Quy định 1374, với những hiệu quả đạt được như trên, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương ban hành quy định “mua tin” phục vụ công tác PCTNTC, cũng là kế thừa và phát huy quy định này”, Thường trực Thành ủy thông tin.

Quy định “mua tin” là nâng lên một bước để mong muốn nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân… góp phần xây dựng thành phố, mà cụ thể là công tác PCTNTC.

Thành phố mong muốn cao nhất là phòng ngừa, răn đe, cảnh báo cán bộ, đảng viên để thực hiện chủ trương của thành phố mà Bí thư Thành ủy nhiều lần quán triệt “làm đúng, làm tốt” chức trách của cán bộ.

Song song đó, thành phố đang thực hiện chủ đề năm là “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”…. Vậy nên ban hành quy định trên với mong muốn lớn nhất là hiệu quả sau khi chủ trương được đi vào cuộc sống.

Cụ thể là tính hợp lý và phù hợp; là sự vận hành của các cơ quan được giao nhiệm vụ; là sự đồng hành, tin tưởng và ủng hộ của nhân dân cùng các thành phần khác trong xã hội.

“Chúng tôi tin tưởng với những mong muốn đó, cùng với quy định này và các quy định khác sẽ góp phần vào việc xây dựng, phát triển thành phố, góp phần nâng cao công tác PCTNTC, lãng phí. Đồng thời, hạn chế, đẩy lùi tâm lý cán bộ né tránh, đùn đẩy, ngại trách nhiệm đến mức không dám nghĩ, dám làm”, đại diện Thường trực Thành ủy chia sẻ.

10 triệu đồng/tin báo là mức tối đa

Về vấn đề báo chí muốn làm rõ "Liệu chủ trương này có hiệu quả hay không? Mức chi phí 10 triệu đồng/tin (vụ việc) có thấp hay không?", Thường trực Thành ủy cho hay, trên cơ sở sơ kết Quy định 1374 thì có thể nhận định ban đầu là sẽ hiệu quả. Mức phí cũng đã dựa vào quy định của Trung ương với mức tối đa.

“Tuy nhiên, cũng có thể xem xét những nguồn tin đặc biệt, hiệu quả cao hơn thì Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC TP sẽ quyết định linh hoạt hơn”, đại diện Thường trực Thành ủy nói.

Thường trực Thành ủy đánh giá, người cung cấp thông tin cũng vì mục tiêu lớn là đấu tranh PCTNTC chứ không vì mục tiêu đi kiếm tiền, cho nên chi phí nói trên cũng không thành vấn đề.

thituyen 1.jpg
Theo Thường trực Thành ủy TP.HCM, việc ban hành quy định "mua tin" phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng cũng là biện pháp nhắc nhở, cảnh báo cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Về bảo vệ người cung cấp thông tin, theo Thường trực Thành ủy, từ trước tới nay, khi chưa có quy định này thì TP.HCM cũng đã có cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin tố giác và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Trước câu hỏi “Chủ trương này sẽ tác động thế nào đối với tình hình cán bộ, đảng viên hiện nay?", Thường trực Thành ủy khẳng định, mong muốn lớn nhất khi ban hành quy định này là để nhắc nhở, cảnh báo, tăng cường phòng ngừa để cán bộ làm tốt nhiệm vụ của mình; nâng cao hiệu quả nền công vụ, thúc đẩy phát triển thành phố; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Quy định này cũng góp phần thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, dù là kế thừa Quy định 1374 nhưng trước khi ban hành chủ trương “mua tin”, phải đánh giá hiệu quả tác động mới ban hành. Tuy nhiên, chủ trương mới cần có thời gian đi vào cuộc sống mới có thể đánh giá toàn diện hiệu quả.

“Phần thưởng, phần mua chỉ là động viên, khuyến khích mà hiệu quả nằm ở sự tham gia của nhân dân, của người cung cấp thông tin trong công tác PCTNTC”, Thường trực Thành ủy khẳng định.