Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15. Trong 9 luật, 11 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại 2 kỳ họp này có Luật Viễn thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Luật Viễn thông mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số dịch vụ mới (dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số.

phothutuong.jpeg
Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Luật lần này cũng bổ sung, quy định các nội dung để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông, đáp ứng vai trò là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện các quy định về hoạt động viễn thông công ích; quy định cụ thể về đấu giá đối với các loại tài nguyên kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải đấu giá.

Ngoài ra, luật còn quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh và điều chỉnh điều kiện cấp phép viễn thông đối với các trường hợp khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, bổ sung hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông để áp dụng với các dịch vụ viễn thông cần quản lý nhẹ; bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông để thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông…

Ban hành 3 nghị định, 2 thông tư quy định chi tiết 29 nội dung

Để triển khai luật đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong đó, lưu ý việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông; việc quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông; việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet; thúc đẩy các dịch vụ mới phát triển, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết. Với Luật Viễn thông, Chính phủ ban hành 3 nghị định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành 2 thông tư quy định chi tiết 29 nội dung.

Luật Viễn thông được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 24/11/2023 gồm 73 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Riêng quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây tại Điều 28 và Điều 29; quy định về nộp phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại điểm d khoản 9 Điều 50, khoản 3 Điều 71 của luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.