Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng Thuỷ đều có công việc tốt ở Hà Nội. 

24 tuổi, Đỗ Thị Thu Thuỷ giữ vị trí Trưởng phòng Dự án cho một doanh nghiệp với mức lương tốt, cơ hội thăng tiến rộng mở. Nhưng trong tâm tưởng của cô luôn nghĩ tới việc về quê làm một cái gì đó để được làm chủ thời gian và cuộc sống của mình.

Một ngày, sau khi bị sếp mắng, khao khát về cuộc sống tự do trong cô trỗi dậy. Thuỷ mơ ước về một ngày không có “deadline”, không phải lặn lội mỗi sáng, không phải ngồi trong không gian bí bách của văn phòng. 

Lúc ấy, Thuỷ mới quen Khoa qua ứng dụng hẹn hò Tinder được hơn 1 tháng. Nhưng vì cùng quê, lại từng học cùng trường cấp 3 nên mối quan hệ của họ đã ở mức xác định gắn bó lâu dài. Lúc này, Khoa đang là nhân viên một ngân hàng nước ngoài với mức thu nhập cao, năng lực tốt, tương lai tươi sáng.

Khi nghe ý định nghỉ việc về quê của bạn gái, Khoa đồng ý ngay và nói: "Nếu muốn nghỉ việc thì cứ nghỉ, anh nuôi em được. Khoa cầm một xấp tiền tới cho cô tiêu trong những ngày sắp tới để chứng minh lời nói của mình.

Thuỷ xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Chỉ chưa đầy 1 tháng “ăn chơi” ở nhà, Thuỷ vừa nghĩ xem mình sẽ làm gì tiếp theo vừa thuyết phục bạn trai về quê cùng mình luôn. Lúc này, Khoa đã có nhà ở Hà Nội, công việc lại đang cực kỳ suôn sẻ nhưng chỉ sau một cuộc trò chuyện rất dài với Thuỷ về kế hoạch tương lai, sáng hôm sau anh nộp đơn xin nghỉ việc. 

Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp ngỡ ngàng vì chẳng hiểu hai đứa nghĩ gì, chẳng hiểu cô gái sinh năm 1997 có “bùa mê thuốc lú” gì mà khiến một chàng trai đang có mọi thứ trong tay từ bỏ tất cả để về quê đi thuê trọ cùng mình. 

Suốt thời gian thất nghiệp ở quê, Thuỷ vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ làm gì tiếp theo. “Khi hai đứa tiêu gần hết tiền thì anh tâm sự, quê anh - xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc - có làng nghề làm dao kéo. Bố mẹ anh cũng có xưởng rèn và bố anh là thợ lành nghề. Anh muốn thử bán hàng của bố mẹ sản xuất”. Lúc ấy, Thuỷ chẳng hứng thú gì vì nghĩ mất công xin nghỉ việc, tưởng về quê phải làm gì đó cho hoành tráng chứ đi bán dao thì thật “ngớ ngẩn”. “Nhất là dao làng nghề thì nó đen đen, xấu xấu chứ đâu có được đẹp đẽ, thẩm mỹ như dao có thương hiệu”.

Nhưng thấy bạn trai tha thiết muốn giúp bố mẹ, lại chưa có việc gì làm nên cô tặc lưỡi đồng ý. 

Dao được sản xuất bởi chính gia đình và các hộ khác trong làng nghề Lý Nhân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Thế là từ một cô gái công sở ngày ngày mặc váy, đi giày cao gót, Thuỷ giờ chỉ đi dép tông, mặc quần đùi, hằng ngày lái xe máy về quê chồng cách nhà thuê 20km để lấy dao lên bán.

Những đơn hàng đầu tiên của Thuỷ được bán trên Facebook cá nhân, cho chính bạn bè, người quen của cô. Nhờ năng khiếu bán hàng và khả năng hoạt ngôn từ thời sinh viên phải lăn lộn kiếm tiền ăn học, Thuỷ bán vèo vèo được 20 con dao đầu tiên.

“Mình không nghĩ là mọi người lại quan tâm và ủng hộ dao làng nghề đến thế. Tất nhiên, mình đã đặt bố mẹ làm loại dao trắng đẹp để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và nhu cầu thị trường”.

Với tư duy của một người có ăn có học, Thuỷ nghĩ ngay đến việc mình phải phát triển thương hiệu dao làng nghề Lý Nhân một cách chuyên nghiệp. Cô bắt tay vào việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử - một việc mà ở làng chưa có ai làm, hoặc có làm thì sản phẩm trông cũng rất xấu.

“Mình kỳ công chụp hình, làm video, áp dụng tất cả những kiến thức mình biết và học được để đưa sản phẩm ra thị trường, khao khát một ngày nào đó dao Lý Nhân cũng nổi tiếng như dao Đa Sỹ” - Thuỷ kể.

Dao làng nghề Lý Nhân được vợ chồng trẻ đưa ra thị trường. 

Để bán hàng online đạt doanh thu tốt, Thuỷ rất chịu khó học hỏi cách làm “content” của những người có kinh nghiệm. “Cứ thấy ai bán được nhiều hàng là mình lại nhắn tin xin nói chuyện để học hỏi”.

Về chất lượng dao, Thuỷ yên tâm là có bố chồng kiểm duyệt. Nhưng theo cô, khâu quan trọng nhất vẫn là chăm sóc khách hàng. “Kể cả khi mình gửi nhầm hàng hay có bất cứ sự cố gì, mình cũng cố gắng xử lý tốt nhất có thể để khách đánh giá 5 sao cho mình. Có khách chia sẻ rằng nếu so sánh dao nhà mình với dao Nhật, dao Đức giá tiền triệu thì không bằng nhưng họ thích cách chăm sóc khách hàng của mình và cảm thấy quý mến”.

Theo khảo sát của Thuỷ, có tới 50% khách hàng mua dao của cô đến lần thứ 2 trở lên. Thậm chí, có khách kỷ lục đặt mua tới mười mấy đơn để tặng bạn bè, người thân.

Thuỷ nói, sản phẩm của làng nghề thường có nhược điểm là thẩm mỹ không cao, dịch vụ chưa tốt và không chuyên nghiệp. Vì thế, vợ chồng cô luôn cố gắng khắc phục những nhược điểm đó để sản phẩm trở thành một thương hiệu có tên tuổi trên thị trường. 

Anh chồng có bằng cấp trong nước, ngoài nước đồng hành với vợ trong sự nghiệp bán dao làng nghề. Ảnh: Anh Vũ Đăng Khoa đang thiết kế "studio" chụp ảnh trên chiếc máy giặt gia đình. 

Với những nỗ lực ấy, chỉ sau 5 tháng, vợ chồng Thuỷ đã có số lượng đơn hàng ổn định. Đến nay, sau hơn 1 năm khởi nghiệp, mỗi tháng cô bán được khoảng 1.000 con dao. Riêng tháng này, doanh số đột biến lên tới 10.000 con. Khách hàng của cô chủ yếu tới từ một trang bán hàng online nổi tiếng hiện nay, số khác là cô giao sỉ và bán lẻ qua Facebook cá nhân. Dao của gia đình cũng đã được cô đặt cho một cái tên để có định dạng thương hiệu riêng. 

Có một kỷ niệm mà Thuỷ còn nhớ mãi cho đến tận giờ về những ngày đầu khởi nghiệp. “Hôm ấy, 2 vợ chồng về quê lấy dao trên chiếc xe máy cà tàng của mình. Trên đường quay lại thành phố, trời mưa tầm tã, sấm chớp đùng đoàng. Sau xe chở thùng dao mà mình cứ lo bị sét đánh. Dao mà dính nước mưa là hỏng nên hai đứa lấy áo mưa che hàng. Cả hai ướt như chuột, quần áo tã tượi”.

“Lúc ấy nghĩ rất tủi thân, tự dưng đang có công việc ổn định, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu mà bỏ đi bán dao. Ngày ấy mới bán, chưa bán được nhiều hàng nên cũng nghĩ ngợi mông lung, không biết con đường mình chọn có đúng hay không”. 

Cho đến giờ, khi đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, Thuỷ rất tự hào vì mình “đã được làm chủ”, lại góp phần phát triển sản phẩm làng nghề, tạo công ăn việc làm cho bố mẹ và người thân trong làng. Thu nhập của 2 vợ chồng từ việc bán dao cũng giúp gia đình có cuộc sống thoải mái. 

Kế hoạch sắp tới của Thuỷ là mở rộng thị trường sang nước ngoài, đồng thời tìm kiếm nguyên liệu mới để dao có chất lượng cao hơn, có tính thẩm mỹ tốt hơn. 

Nguyễn Thảo 

Ảnh: NVCC