Sống ở nước ngoài, hòa nhập và có nhiều đóng góp cho xã hội sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn tự hào là người Việt, mong muốn gìn giữ văn hóa dân tộc và có ý thức quảng bá văn hóa Việt, trao truyền lại cho những thế hệ sau. 

Mỹ là quốc gia có đông kiều bào Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc. Nhiều gia đình đa văn hóa với thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4, tuy nhiên, họ vẫn giữ nếp sống thuần Việt, sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp ở nhà. 

Bên cạnh học tiếng Việt từ người lớn trong nhà, các em nhỏ được đến các cơ sở dạy tiếng Việt. Ước tính, ở Mỹ hiện có gần 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt, tập trung nhiều ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington... 

W-20230723-093519-2.jpg
Kiều bào trẻ từ các quốc gia trên thế giới về thăm Tổ quốc.

Chị Ngô Kim Việt, bang Maryland (Mỹ) có kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho các em nhỏ tại các cơ sở từ năm 1995. Việc dạy tiếng Việt đến với chị bắt nguồn từ tình cảm với quê hương, đất nước và chị luôn tâm niệm giá trị của tiếng Việt cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt trẻ. 

Trăn trở khi thấy những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ dần quên tiếng Việt, họ không có trường dạy tiếng Việt, không có môi trường để nói tiếng Việt, trừ trong gia đình, rồi cuộc sống bận rộn, mỗi người đều có công việc riêng, khó ai có thời gian rảnh để dạy và không phải ai cũng có sư phạm, có chuyên môn để dạy ngôn ngữ… chị Kim Việt tình nguyện dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ trong các gia đình người Việt.

Chị Kim Việt cũng tham gia dạy thêm tiếng Việt tại các trung tâm ngôn ngữ của Mỹ những lúc có thời gian rảnh rỗi. Chị tự mày mò tìm mua những cuốn sách dạy tiếng Việt, những cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam, tham khảo thêm các hình ảnh, video trên mạng để soạn giáo án của riêng mình.

Mới đây, chị đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ mời tham dự lớp học về tiếng Việt trực tuyến do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cho những người Việt ở nước ngoài. Dù lệch múi giờ, lớp học bắt đầu lúc 5h sáng theo giờ miền Đông nước Mỹ nhưng chị Việt không bỏ lỡ một buổi học nào. Với chị, đây là cơ hội vô cùng quý giá, bổ khuyết cho chị vốn kiến thức chuyên sâu về ngữ pháp tiếng Việt và phương pháp sư phạm đúng cách.

Chị Kim Việt và những kiều bào đang tham gia vào công việc dạy tiếng Việt tại Mỹ đã khơi dậy tinh thần học tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giới trẻ bằng tình yêu quê hương của mình. Họ giúp cho thế hệ người Việt trẻ hiểu được sự cần thiết, giá trị của việc học và duy trì tiếng Việt bởi nó không chỉ là ngôn ngữ của người Việt, mà còn là gốc rễ, là nguồn cội của dân tộc. Qua việc học tiếng Việt sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu được văn hóa, những nét đẹp bản sắc của Việt Nam.

Cách dạy tiếng Việt của chị Kim Việt là thông qua những bài học về lịch sử, về văn hóa truyền thống, những hình ảnh lễ hội văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, vừa dễ tiếp thu vừa khám phá thêm đời sống văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…

Ngoài các học trò là con lai, thế hệ kiều bào trẻ, chị còn có các học trò người Mỹ. Họ yêu Việt Nam nên mong muốn học tiếng Việt để có thể đến Việt Nam du lịch, khám phá. Nhiều người ban đầu nghĩ tiếng Việt khó nhưng sau thời gian được chị tận tình chỉ dạy đã có thể giao tiếp cơ bản, hát được những bài dân ca khó.

Chị Minh Anh là người Việt sống ở Mỹ đã nhiều năm. Chị gái của Minh Anh kết hôn với người Mỹ và sinh được 2 em bé xinh xắn. Minh Anh thường dành thời gian, dạy các cháu nói tiếng Việt từ khi mới bập bẹ tập nói.

Do bố là người Mỹ nên hai bạn nhỏ vẫn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp ở nhà và khi đến lớp học. Vì vậy, bất kỳ lúc nào, mẹ của cháu và dì lại cố gắng nói tiếng Việt để dạy các cháu. Mong muốn của chị Minh Anh là các cháu dù sinh và ra lớn lên tại Mỹ nhưng có thể hiểu và nói được tiếng Việt.

Chị Trịnh Hoàng Minh, một cán bộ của Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C tự dạy kèm tiếng Việt cho con mình và các con em của những người đồng nghiệp ở bang Maryland. 

Khi dịch Covid-19 ập đến, lớp học nhỏ của chị phải tạm dừng. Đại sứ quán Việt Nam đã hướng dẫn nhóm của chị duy trì việc học tiếng Việt trực tuyến theo Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nữ sinh Lưu Thị Tường Vy lớn lên trong một gia đình gốc Việt tại thành phố San Diego, bang California nhưng nhiều khi em rất khó chia sẻ với bố mẹ hay ông bà những suy nghĩ của mình do bất đồng ngôn ngữ. Đó là lý do Tường Vy khao khát và quyết tâm học tiếng Việt để các thành viên trong gia đình có thể giao tiếp và hiểu nhau hơn.

Chị Uyên MyLan, đang sống ở bang Pennsylvania có 3 con nhỏ sinh ra trên đất Mỹ. Mặc dù gia đình hai bên là người Việt Nam nhưng do môi trường học tập, sinh hoạt phải dùng tiếng bản địa nên khả năng tiếng Việt của các bé chưa thành thạo. Vì vậy, chị thường xuyên đưa con đến các cơ sở dạy tiếng Việt và các hoạt động có đông kiều bào để các con có cơ hội tập luyện tiếng mẹ đẻ được tốt hơn. Sau 3 năm kiên trì, đến nay các con của chị đều có thể giao tiếp lưu loát với người thân ở Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Phương Chung, giảng viên tiếng Việt tại Mỹ và hiện là Giám đốc Chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á của Đại học Columbia, cùng với con em kiều bào, ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm học tiếng Việt.

Chương trình đang giảng dạy 4 lớp, từ trình độ sơ cấp đến cao cấp cho cả sinh viên cử nhân và sinh viên cao học ngành Việt Nam học. Ngoài các lớp học chính thức, trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giới thiệu về văn hóa truyền thống và đất nước, con người Việt Nam, như biểu diễn ca trù của các nghệ nhân đến từ Việt Nam hay chiếu phim “Once Upon Bridge Vietnam.”

Mong muốn trao truyền tiếng Việt cho các thế hệ sau, lan tỏa tiếng Việt đến bạn bè quốc tế là nguyện vọng của hầu hết kiều bào sống ở nước ngoài. Bởi họ luôn tâm niệm rằng, yêu tiếng Việt sẽ giúp cho các bạn nhỏ yêu văn hóa Việt Nam, yêu đất nước và con người Việt Nam.

Quỳnh Nga