Thạc sĩ Trương Thị Huyền Trang, Khoa Nghiên cứu, Ứng dụng Công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay ngoài những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến rụng tóc như lạm dụng hóa chất nhuộm tóc, nhuộm với tần suất dày khiến tóc gãy, chẻ và hư tổn; sử dụng lượng nhiệt cao; buộc tóc gây co kéo (tạo một áp lực đè lên phần cấu trúc của nang tóc, da đầu) thì nội tiết, stress, lo âu, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hay yếu tố dinh dưỡng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tóc. "Giấc ngủ, căng thẳng, hút thuốc, uống rượu bia đều liên quan rụng tóc", bác sĩ Trang cho biết.

Còn theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, với người hút thuốc lá, tóc dần trở nên tóc mỏng, yếu và bạc sớm. Nam giới hút thuốc dễ bị hói đầu hơn nam giới không hút thuốc. 

Bác sĩ Trang khám cho một bệnh nhân có biểu hiện rụng tóc, trong nhà có người thường xuyên hút thuốc. Ảnh: Võ Thu 

Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết hút thuốc lá có thể làm hỏng các nang tóc và làm tăng nguy cơ rụng tóc. Đây là kết quả của một nghiên cứu tiến hành trên 1.000 người từ 20 đến 3 tuổi, trong đó 500 người hút thuốc và 500 người không hút.

Theo đó, 425 người hút thuốc bị rụng tóc ở một mức độ nào đó, có 47% người hút thuốc bị rụng tóc cấp độ 3 và 24% bị rụng tóc cấp độ 4. Trong khi đó, dấu hiệu rụng tóc chỉ xảy ra ở 200 người không hút thuốc, và chỉ 10% trong số này đạt cấp độ 3 hoặc 4.

Nguyên nhân được các nhà khoa học kết luận là nicotin và các hóa chất liên quan có thể thúc đẩy quá trình rụng tóc, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để chứng minh lý thuyết này.

Hút thuốc cũng có thể gây ra tình trạng stress oxy hóa và giảm lưu lượng máu đến các nang tóc, có thể góp phần gây rụng tóc. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng các hóa chất độc hại trong khói thuốc có thể dẫn đến tổn thương DNA của các tế bào trong nang tóc. Tổn thương DNA của các tế bào này có thể dẫn đến suy giảm sự phát triển của tóc.

Đặc biệt, các phát hiện đã chỉ ra rằng các tế bào trong nang lông của da đầu hói đặc biệt nhạy cảm với tình trạng stress oxy hóa. Do vậy, tình trạng rụng tóc sẽ càng tiến triển nặng.

Hóa chất trong thuốc lá có thể tác động tiêu cực đến hệ tuần hoàn và sức khỏe tim mạch, giảm lưu lượng máu đến các nang tóc, da đầu có thể dẫn đến rụng tóc hoặc hư tổn tóc.

Cùng với việc góp phần làm rụng tóc, hút thuốc có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tóc theo nhiều cách khác nhau như tóc bạc sớm, cấy tóc kém hiệu quả, có khả năng làm cho tóc dễ gãy và khô hơn.

Bỏ thuốc lá để hạn chế rụng tóc, tóc bạc sớm

Bác sĩ Trương Thị Huyền Trang khuyến cáo để hạn chế tình trạng rụng tóc, tóc bạc sớm, nên ngủ sớm trước 23h, hạn chế căng thẳng, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bài tập thể lực, hạn chế tối đa rượu bia, đặc biệt tránh xa khói thuốc lá.

Việc bỏ thuốc lá không chỉ có lợi cho mái tóc mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và hệ tuần hoàn của cơ thể. Theo đó, chỉ sau vài phút, nhịp tim và huyết áp - thường cao bất thường trong thời gian hút thuốc - sẽ bắt đầu quay trở lại bình thường.

Sau vài giờ, nồng độ carbon monoxid (CO) trong máu bắt đầu giảm, giúp cải thiện khả năng mang ô xy. Sau vài tuần, những người bỏ thuốc sẽ cải thiện tuần hoàn, giảm đờm dãi, giảm ho và khò khè. Sau vài năm, những người bỏ thuốc sẽ giảm nguy cơ ung thư, các bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác so với việc họ tiếp tục hút thuốc.

Về lâu dài, bỏ thuốc làm giảm nguy cơ ung thư và các bệnh khác, như các bệnh tim mạch và COPD, thường do hút thuốc gây ra. 

Minh An