Theo quy định, từ ngày 1/8/2022 , thực hiện việc thu phí hoàn toàn tự động (ETC) đối với tất cả các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, tại BOT cầu Thái Hà, tỉnh Thái Bình vẫn đang tiến hành thu phí thủ công, chưa triển khai hệ thống thu phí ETC.

Lái xe đi qua trạm này vẫn mất nhiều thời gian để mua vé thủ công, chờ thời gian trả lại tiền thừa hoặc phải chuyển khoản vào tài khoản của nhân viên thu phí…rất bất tiện.

W-bot-thai-binh-1.jpg
Trạm BOT cầu Thái Hà

Anh Phạm Hùng Huy, 38 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng phản ánh: “Đây là lần đầu tiên tôi đi qua trạm thu phí này, rất bất ngờ  vì phải mua vé thủ công, chưa thu phí tự động. Trong bối cảnh thực hiện kinh tế số mà phải dừng 1 lúc để chuyển khoản, làm mất thời gian và gây khó chịu cho các tài xế phía sau”.

W-bot-thai-binh1-1.jpg
Các phương tiện di chuyển khó khăn qua trạm BOT cầu Thái Hà

Tương tự, anh Nguyễn Duy Anh, 42 tuổi, trú tại, Phủ Lý, Hà Nam cũng tỏ ra bức xúc: “Tôi đã nạp tiền vào tài khoản thu phí tự động. Hôm nay đi qua trạm, tiền mặt lại không mang nên phải dừng vào làn khẩn cấp, gọi điện cho vợ chuyển khoản vào tài khoản của lực lượng thu phí hộ".

Việc thu phí thủ công như trạm BOT cầu Thái Hà khiến nhiều thời điểm gây ra tình trạng ùn ứ, tài xế bức xúc. 

W-bot-thai-binh-2-1.jpg
Lái xe nhận vé thủ công thay vì thu phí tự động không dừng.

Thừa nhận việc này, nhân viên bán vé của BOT cầu Thái Hà giải thích: “Lái xe đi qua đây, liên tục thắc mắc tại sao trạm chưa lắp ETC. Chúng tôi đã phải liên tục giải thích. Có nhiều trường hợp không mang tiền mặt hoặc cần thời gian để trả lại tiền thừa, gây mất thời gian, họ đã tỏ thái độ không hài lòng, nói nhiều lời tác động xấu đến tâm lý nhân viên thu phí". 

Doanh nghiệp nói thua lỗ

Dự án BOT cầu Thái Hà là công trình cầu vượt sông Hồng, nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dự án có chiều dài khoảng 5,6km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Công trình khởi công năm 2014, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018 và chính thức thu phí từ tháng 1/2019. Thời gian thu phí hoàn vốn của trạm này là 16 năm 7 tháng.

W-do-thua-lo-bot-cau-thai-ha-van-dang-xin-lui-thoi-gian-trien-khai-thu-phi-khong-dung-1.jpg
Do thua lỗ, trạm BOT cầu Thái Hà vẫn đang xin lùi thời gian triển khai thu phí không dừng.

Lý giải về việc chưa lắp đặt thu phí ETC theo quy định, đại diện trạm BOT cầu Thái Hà cho biết: “Doanh thu của BOT cầu Thái Hà liên tục sụt giảm và dẫn đến thua lỗ trong thời gian gần đây. Trong khi đó, chi phí lắp hệ thống thu phí ETC rất cao so với năng lực tài chính của đơn vị. Do đó, BOT cầu Thái Hà vẫn đang xin lùi thời gian triển khai thu phí không dừng”.

Năm 2023, BOT Thái Hà thu được 44,8 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với năm trước. Chủ đầu tư BOT cầu Thái Hà lỗ 83 tỷ đồng trong năm 2023. 

Trên thực tế,  BOT cầu Thái Hà đã liên tục thua lỗ kể từ năm 2019, mức lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2023 lên 436,8 tỷ đồng. 

Về dự án này, Bộ GTVT nhận định, BOT cầu Thái Hà đã hoàn thành và đang thu phí hoàn vốn nhưng doanh thu bị sụt giảm, nhiều phương tiện lựa chọn đi theo hướng cầu Hưng Hà để không phải mất phí nên nguồn thu phí không đủ bù đắp chi phí bảo trì, trả lãi vay. Doanh thu của dự án này chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng, có nguy cơ xấu về phương án tài chính. 

Nhằm tháo gỡ các dự án BOT thua lỗ, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại 8 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó, có dự án BOT cầu Thái Hà.