Ngày 15/11, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ ngày càng nhiều ca biến chứng tìm đến bệnh viện điều trị sau khi học theo các trào lưu làm đẹp, chăm sóc da trên mạng xã hội.

"Có trường hợp bệnh nhân tốn hàng chục triệu đồng để chữa nhưng khó lấy lại được làn da như cũ", bác sĩ Oanh chia sẻ.

Theo bác sĩ này, hiện nay, chỉ cần tìm kiếm từ khóa về làm đẹp trên các nền tảng mạng xã hội, ví dụ "trẻ hóa da, trị nám tại nhà", bạn sẽ nhận được hàng loạt các clip hướng dẫn từ cách tự chăm sóc cho đến sử dụng những hoạt chất phải do bác sĩ chỉ định.

Đặc biệt, nhiều người còn rơi vào tình trạng bỏng rát mặt, làn da bị tàn phá nặng nề khi trị nám, mụn bằng cao trầu không, cao tía tô thậm chí kem trộn siêu trắng sau khi xem các clip tư vấn, hướng dẫn trên mạng xã hội.

cham soc da.png
Bác sĩ Oanh tư vấn và khám da cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Một biện pháp làm đẹp khác cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đó là peel da. Tuy nhiên, bác sĩ Oanh cảnh báo trên thị trường có rất nhiều sản phẩm peel da, vì vậy, việc tự mua và thực hiện tại nhà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Cụ thể, việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần có thể khiến da bị kích ứng, mẩn đỏ, lâu ngày trở nên nhạy cảm. Ngoài ra, có thể làm tăng sắc tố, nhiễm trùng, viêm da dạng trứng cá, nhiễm độc…

Bên cạnh đó, người dân thường không thể đánh giá chính xác tình trạng da của mình, nên việc lạm dụng peel da sẽ khiến bệnh tăng nặng, thậm chí dễ bị nám sạm, giãn mạch. Việc thực hiện không đúng kỹ thuật peel da còn có thể dẫn tới bỏng, để lại sẹo.

Do đó, bác sĩ Oanh tư vấn: "Làn da của mỗi cá nhân khác nhau, phương pháp làm đẹp có thể phù hợp với người này nhưng không hợp đối với người khác. Chăm sóc da là một quá trình kéo dài, đòi hỏi kiên nhẫn và sự hiểu biết về da cũng như sản phẩm chăm sóc phù hợp. Do đó, người dân có các bệnh lý về da nếu cần điều trị nên tới các cơ sở chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ thăm khám, đánh giá".