Lời tòa soạn:

Chốn công sở, bên cạnh chuyện công việc, chuyên môn, là một xã hội thu nhỏ với đủ hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện bên lề nơi công sở đôi khi ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất lao động và hiệu quả công việc của các nhân sự.

VietNamNet mở tuyến bài Chuyện khóc cười chốn công sở, mời độc giả chia sẻ những câu chuyện bi hài xung quanh các mối quan hệ ở nơi làm việc của mình. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.

Tôi đi phỏng vấn và được nhận vào làm tại một tập đoàn vừa khởi nghiệp, đa số nhân sự là các bạn Gen Z. Nhóm marketing chỉ có tôi là 8X, nên không khí làm việc rất trẻ trung. Giám đốc của bộ phận chúng tôi mới 30 tuổi nhưng tác phong và ngoại hình chững chạc, già dặn. 

Sau một thời gian, tôi phát hiện giám đốc bộ phận chỉ lên công ty mỗi khi cần họp nhóm. Sếp còn dặn mọi người là mình rất bận, không có thời gian nhắn tin, có việc gì thì gọi điện. Nhiều lần, sếp chỉ đạo nội dung không chuẩn xác, nhân viên làm xong lại không được sử dụng.

congso.jpg
Ảnh minh họa: PX

Nguyên nhân sau này tôi mới biết là sếp có 2 công ty riêng, nên không thể toàn tâm toàn ý cho bên này. Mặc dù tôi không nề hà bất cứ việc gì sếp giao phó, nhưng do sự chỉ đạo hời hợt của sếp nên nhiều chuyện ‘dở khóc dở cười’ đã xảy ra.

Đỉnh điểm là tôi được bàn giao làm video quảng cáo. Đơn vị thuê ngoài cho biết video tiến hành khá lâu rồi, nhưng vì mọi người đùn đẩy nhau nên mãi chưa dựng xong. Thấy kịch bản và lời bình chưa ổn, nên tôi chủ động viết lại, nhưng sếp mãi không duyệt. Tôi nhắn tin, gọi điện thúc giục sếp nhiều lần mới được duyệt. 

Bên thuê ngoài quay video đề xuất về một cảnh quay do chính nhân viên trong công ty tôi thực hiện. Để tăng thêm phần trang trọng, họ yêu cầu nhân viên phải mặc trang phục áo sơ mi trắng và vest. Sếp giao tôi trực tiếp đảm nhiệm và trao đổi công việc với bên thuê ngoài. 

Tôi nhờ bạn lễ tân liên hệ giúp bạn nhân viên A đảm nhiệm vai trò diễn viên và chuẩn bị trang phục. Vì tôi mới thử việc được 20 ngày nên chưa biết ai phụ trách mảng này. Song, tôi bất cẩn không xin bạn lễ tân số điện thoại của A để trực tiếp xác nhận trang phục đã chuẩn bị đầy đủ hay chưa.

Hôm sau, khi tới cảnh quay thì thiếu áo sơ mi trắng do bạn A không để ý tin nhắn dặn dò của lễ tân. Tôi đành đi mượn áo của giám đốc bộ phận khác trong công ty. 

Việc tôi đi mượn quần áo để quay video khiến nhiều nhân viên chỉ trích tôi làm việc thiếu chuyên nghiệp. Cảnh quay xong, sếp bỗng nhắn tin vào nhóm công ty nhắc nhở tôi: "Lần sau chị lưu ý phải chuẩn bị đầy đủ phục trang, đạo cụ rồi mới tiến hành quay. Nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thì dừng lại chưa quay". 

Tôi nhắn tin xin lỗi sếp và rút kinh nghiệm lần sau. Vài phút sau, sếp tiếp tục gọi điện nhắc tôi với giọng bực bội. Lúc đó, tôi đang bận việc nên đáp lại khá gắt gỏng: "Chị biết rồi, lần sau chị sẽ rút kinh nghiệm". Nhiệm vụ của tôi vốn thiên về việc biên tập, việc này phát sinh ngoài công việc chính khiến tôi bỡ ngỡ. 

Chiều hôm đó, tôi được gọi xuống phòng họp gặp sếp. Sếp đưa cho tôi biên bản tự đánh giá nhận xét thái độ và năng lực trong công việc. Đọc những gì tôi ghi trong biên bản, sếp tỏ ý không hài lòng và bảo tôi không hợp với ngành này, nên tìm ngành khác phù hợp hơn.

Tôi đáp lại: "Nếu em thấy chị không hợp thì chị sẽ tìm việc khác phù hợp hơn, không sao cả". Nghe vậy, sếp bảo tôi đến phòng nhân sự xin giấy xin nghỉ việc.

Tôi băn khoăn về lý do mà sếp cho tôi nghỉ việc là do năng lực hay do thái độ? Tôi gọi điện cho vài đồng nghiệp xin tư vấn. Sau khi nghe tôi kể, họ đều nói tôi làm tốt chắc là sếp phật ý với thái độ của tôi khi trả lời điện thoại hôm đó. 

Sau khi trở về nhà, tôi cảm thấy ấm ức nên đã gọi điện kể sự tình cho chủ tịch tập đoàn. Anh ấy nói với tôi là sẽ trao đổi lại với sếp của tôi, hứa sẽ cho tôi một đáp án hợp tình hợp lý.

Ngày hôm sau, không thấy chủ tịch gọi lại, còn sếp hẹn tôi gặp để ký giấy xin nghỉ việc. Sếp khuyên tôi không nên tiếp tục làm việc ở môi trường này.

Sếp nói rằng tôi nghỉ trước, sếp cũng nghỉ sau. Sếp đang điều hành 2 công ty riêng nên không có thời gian và cũng chán không muốn làm việc ở đây nữa và sếp thấy có lỗi vì đã không ủng hộ tôi.

Sếp nói lý do muốn nghỉ là vì tập đoàn mới đi vào hoạt động còn nhiều bất cập và một số giám đốc bộ phận khác đố kỵ bởi sếp nhận lương cao mà thi thoảng mới xuất hiện ở công ty. Sự việc tôi mượn đồ là cái cớ để họ phản ánh và gây áp lực cho sếp. Tôi ký đơn xin nghỉ việc và nộp cho phòng nhân sự. 

Về nhà, tôi nhắn tin tạm biệt mọi người trên các nhóm của công ty. Ngay sau đó, chủ tịch gọi cho tôi nói rằng công ty không thiếu việc để tôi làm và ngỏ ý giữ tôi lại. Tôi đồng ý ở lại vì tôn trọng thành ý của chủ tịch, hơn nữa tôi cũng đang trên đà làm việc và muốn cống hiến cho công việc của tập đoàn. 

Vị sếp của tôi lúc đó đã xin nghỉ việc nên chủ tịch nhắn tin báo hiện chưa tìm được người thay thế, nên chưa có ai quản lý tôi. Vì vậy, tôi tạm nghỉ 1 đến 3 tháng nữa, khi nào tuyển được giám đốc bộ phận mới và nếu còn duyên thì mời tôi quay lại tiếp tục làm việc. 

Sau đó, tôi nộp đơn xin việc và đi phỏng vấn ở những nơi khác. Vài công ty nhận nhưng khởi điểm của tôi chỉ bằng các bạn Gen Z. Trong khi, bạn cùng tuổi tôi hầu hết giữ vị trí trưởng phòng hoặc giám đốc bộ phận rồi.

Tôi nhận thấy nên định hướng đúng nghề nghiệp hợp với khả năng, chuyên môn và đam mê của mình ngay từ khi còn trẻ, đồng thời kiên trì theo đuổi nó. Không nên đến tuổi trung niên mới bắt đầu làm lĩnh vực mới, thiếu kinh nghiệm. Tuy vậy, theo hoàn cảnh, bất cứ tuổi nào cũng không phải là muộn để bắt đầu một việc mới, miễn là có sự quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp đó đến cùng.

Bạn đọc giấu tên

Ban ngày làm sếp, rời công sở làm bà chủ

Ban ngày làm sếp, rời công sở làm bà chủ

Phụ nữ giờ đây đã tiến công vào cả những lĩnh vực vốn là lãnh địa của đàn ông, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, nhằm thiết lập các quan hệ xã hội bền vững và công bằng hơn.