Tại buổi đối thoại do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, trước băn khoăn của thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học để tăng cơ hội trúng tuyển, tránh những sai lầm đáng tiếc, bà Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), tư vấn, thí sinh cần chọn ngành học yêu thích trước khi chọn trường. 

“Các em phải định hướng rõ bản thân đam mê, yêu thích cái gì, từ đó, đưa ra lựa chọn. Những năm trước, từng có học sinh đăng ký 10 nguyện vọng vào 10 ngành khác nhau. Như vậy, bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường, năng lực”, bà Nga chia sẻ.

doi thoai 2020240420091857.jpg
 Bà Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), tư vấn cho các học sinh

Em Nguyễn Huy Mạnh, học sinh trường THPT Quang Trung, bày tỏ băn khoăn: “Làm thế nào để xác định ngành học phù hợp với bản thân khi chưa biết mình giỏi hay đam mê với bất cứ điều gì?”.

TS Đỗ Thị Vân Dung, Phó trưởng Khoa Kinh tế Đô thị, trường ĐH Thủ đô Hà Nội, đưa ra gợi ý ngoài nghe theo định hướng của cha mẹ, anh chị, những người đi trước, các em hãy khám phá bản thân mình trước. “Chỉ khi nhìn nhận rõ nhất bản thân, các em mới vừa có thể chọn đúng nghề, tiết kiệm thời gian, tránh đi sai đường”, bà Dung nói.

van dung.jpg
TS Đỗ Thị Vân Dung, Phó trưởng Khoa Kinh tế Đô thị, trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Tại buổi tư vấn, trước câu hỏi của một học sinh về tố chất cần có để trở thành một giám đốc, bà Nguyễn Thuý Vân, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thành Đô, cho hay: “Tố chất đầu tiên của người làm giám đốc là sự quyết đoán. Sự quyết đoán đầu tiên với các em là lựa chọn đúng ngành nghề theo học trong 2 tháng nữa.

Bên cạnh đó, muốn trở thành giám đốc là cả một quá trình phấn đấu. Từ giảng đường đại học, các em cần có một số nền tảng kiến thức kinh tế, phải rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, ứng xử... để ít nhất trở thành giám đốc doanh nghiệp của chính mình”.

Cũng theo bà Vân, muốn làm chủ doanh nghiệp, ngoài phải có kiến thức nền tảng để xây dựng được một kế hoạch kinh doanh đầy đủ, các em cũng cần học tốt, trang bị thêm tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Mọi lĩnh vực, ngành nghề đều cần kiến thức pháp luật

Theo Luật sư Lê Thị Thanh Huyền- người điều hành một công ty về luật, hiện nay, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều cần đến kiến thức về pháp luật. Vì vậy, học ngành luật, các em có rất nhiều cơ hội sau khi ra trường.

Về thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc, bà Huyền cho hay, hiện nay, nhóm ngành Kinh tế và Luật có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 90%.

doi thoai 920240420082657.jpg
Các học sinh tham gia buổi đối thoại tư vấn, hướng nghiệp.

“Thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc là không có căn cứ. Bởi các sinh viên ra trường, ngoài làm đúng chuyên ngành Luật như: Thẩm phán, kiểm soát viên, điều tra viên có thể làm công chứng viên, nhà báo, tư vấn pháp luật cho các công ty, tập đoàn...”.

Theo bà Huyền, trên thế giới, nghề luật nằm trong top 10 nghề có mức thu nhập cao nhất, thời gian làm việc không gò bó, đặc biệt thu nhập của luật sư giỏi rất cao. Đáng chú ý, nghề luật “không có tuổi hưu” bởi luật sư lâu năm sẽ càng có thêm nhiều kỹ năng và khả năng thuyết phục càng cao. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn theo đuổi nghề này, các em cần phải có đam mê và quyết tâm, yêu nghề.

Để theo đuổi ngành luật và có thu nhập tốt, ngoài kiến thức trong nhà trường, người học còn phải có các kiến thức, kỹ năng mềm như: Thuyết trình, hùng biện, phân tích, tổng hợp, tổ chức công việc, biết tận dụng các chi tiết hay... Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, Ngoại ngữ là kỹ năng cực kỳ quan trọng (luật sư thành thạo ngoại ngữ có thể thu nhập gấp 2, gấp 3 người không có Ngoại ngữ).