Buổi gặp mặt báo chí, chia sẻ thông tin do ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT và Lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn chủ trì.

Theo đó, mặc dù năm 2022 với muôn vàn thách thức chưa từng có trong tiền lệ, Vinatex vẫn đạt những “điểm sáng” trong hoạt động SXKD bằng sự chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành và nỗ lực của toàn bộ các đơn vị thành viên, sự cộng hưởng của người lao động.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vintatex cho biết thêm, đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tại thời điểm 9 tháng năm 2022 lợi nhuận đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so kế hoạch được giao.

Nhưng, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý IV, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại.

Doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6 % kế hoạch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho hay, năm 2023 được dự báo không mấy tích cực khi IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 2,7%, giảm 0,2% so báo cáo hồi tháng 7, đồng thời báo cáo cũng cho rằng “những điều tồi tệ nhất còn chưa diễn ra, thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng”.

Cùng với đó, IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ lập đỉnh vào cuối năm 2022 ở mức 8.8%, tuy nhiên, chỉ số này sẽ vẫn còn neo cao ở mức 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Trong bối cảnh đó, thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua.

Khánh Duy