Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng đầu tư mạnh lĩnh vực CNHT ở Việt Nam

Sau đại dịch Covid-19, hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Canon, Apple… đã chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam kéo theo các nhà lắp ráp thiết bị như Foxconn, Luxshare Precision, nhanh chóng mở rộng các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp điện tử như điện thoại thông minh, máy in, sản phẩm điện tử gia dụng… Đi theo các ông lớn này, nhiều công ty công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc cũng nhanh chóng vào Việt Nam, đầu tư sản xuất để phục vụ cho các khách hàng lớn vốn đã có quan hệ từ trước. 

W-xe-m225y-dien-tq-yeade-bac-giang.jpg
Nhà máy sản xuất xe máy điện Yadea của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Đáng chú ý, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày…

Có thể kể tên như Công ty Innovation Precision Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc) sẽ xây nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu đô la tại khu công nghiệp VSIP Nghệ An; Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu đô la… Công ty Shenzhen MTC đầu tư vào dự án xây nhà máy sản xuất bộ định vị tuyến, thiết bị chuyển đổi tín hiệu số, đèn LED chiếu sáng và ti-vi…có vốn đăng ký là 24 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Đồng Nai.

Công ty Công nghệ Jiawei đầu tư 5,5 triệu đô la sản xuất các loại đèn chiếu sáng, bộ phận đèn chiếu sáng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể vào Việt Nam dưới một quốc tịch khác, nhưng đều là nhà cung cấp trực tiếp (OEM) cho các khách hàng toàn cầu, nhất là Bắc Mỹ. 

Các nhà sản xuất OEM Trung Quốc này có quy mô rất lớn, nhà xưởng bao gồm vài ha, được xây dựng rất nhanh, rất hiện đại tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có cả các doanh nghiệp CNHT Trung Quốc ở lớp dưới, có quy mô nhỏ và vừa, đầu tư vào Việt Nam để cung cấp cho các doanh nghiệp kể trên và xuất khẩu. 

Doanh nghiệp trong nước cần chủ động cuộc chơi

Đây sẽ là sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. 

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng nhìn nhận: “2 năm vừa qua, chứng kiến làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam khá lớn và nhanh. Đa phần, họ sang Việt Nam là làm cơ sở sản xuất xuất khẩu đi Bắc Mỹ và chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Nhưng đến lúc họ quan tâm thì có lẽ, nguy cơ thị trường công nghiệp hỗ trợ trong nước rơi vào tay họ là lớn”. 

W-cty-oc-v237t-song-nam-1.jpg
Trình độ công nghệ của DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thấp (ảnh: Băng Dương)

“Một số doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam cũng đã hi vọng có thể cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì thấy quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp CNHT tới từ Trung Quốc quá lớn và khó đáp ứng. Họ sẽ phải tìm các nhà cung cấp tới từ chính Trung Quốc thì mới đáp ứng được nhu cầu để làm ra sản phẩm cho thị trường Bắc Mỹ”, bà Bình nói. 

Theo bà Bình phân tích, hai điểm Chính phủ mà doanh nghiệp CNHT Việt Nam mong muốn được hỗ trợ lớn nhất vẫn là liên quan đến đất đai và liên quan đến vốn để đầu tư. Đó là chìa khóa để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cũng như là để mở rộng sản xuất. Nếu như trong vài năm tới mà không cải thiện được thì doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này mãi mãi chỉ dừng ở những cái mức hiện nay, hoặc có đầu tư mới thì cũng vẫn đầu tư những công ty nhỏ, khó lớn mạnh. 

“Nếu chính sách tiếp tục dậm chân tại chỗ như hiện nay, thì phải nói đó là trở ngại cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, bà Bình cho hay.

Trên thực tế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc sang Việt Nam đang hình thành các chuỗi sản xuất cụm chi tiết xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư ở Việt Nam. Đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Trước vấn đề này, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương ngày 20/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp trong nước vẫn đang phụ thuộc FDI. Các doanh nghiệp vẫn chỉ gia công, giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao

Ông cũng đánh giá, cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn vào 2024, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước cần chủ động để không nằm ngoài cuộc chơi, xu thế lớn của thời đại. Riêng ngành cơ khí chế tạo phải dựa trên nhu cầu thị trường và công nghệ lõi, nền tảng, mang tính dẫn dắt.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/12/2023, có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong đó, về vốn đầu tư, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ tư sau Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc).

 Tuy nhiên, về số dự án mới đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc lại đứng đầu với hơn 700 dự án (chiếm 22,2%) trong tổng số dự án mới được cấp phép đầu tư vào Việt Nam (3.188 dự án) trong năm 2023.

Băng Dương