Sau khi con bị đau mắt đỏ, chị Thu Hằng (Hoài Đức, Hà Nội) đã lên mạng hỏi người quen xin thuốc nhỏ và mua thêm lá trầu không về đắp mắt cho con. Sau 3 ngày, mắt bé có dấu hiệu đỏ nặng hơn, giả mạc nhiều. Chị Hằng cho con đi khám. Bác sĩ cho biết bé bị biến chứng do điều trị đau mắt đỏ sai cách, phải bóc giả mạc. Mỗi ngày, chị Hằng lại đưa con đến viện để bóc giả mạc và nhỏ thuốc điều trị.

Chị Nguyễn Như Thanh (23 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị đau mắt đỏ từ ngày 21/8. Sau 1 tuần tự điều trị, mắt chị đã đỡ đỏ, giảm bớt gỉ mắt. Nhưng một bên mắt mờ hẳn, cộm như có bụi. Mỗi lần ra nắng, chị thấy mắt đau nhức, dù đeo kính râm cũng không chịu được.

Chị Thanh đi khám, bác sĩ chẩn đoán biến chứng sau đau mắt đỏ, tình trạng này phải kéo dài từ 1 tới 3 tháng. Suốt hai tuần qua, chị Thanh không thể làm việc, mắt rất khó chịu.

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng - Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ ở khoa cũng tiếp nhận một số trường hợp biến chứng do tự chữa đau mắt đỏ. 

Theo bác sĩ Hằng, đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc cấp là bệnh lý mắt phổ biến. Mặc dù khá lành tính, ít di chứng nhưng bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi…

Bệnh nhân khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: BVCC. 

Khi tiếp xúc với nguồn lây, khoảng 2-3 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều gỉ ở mắt, đặc biệt vào buổi sáng. Gỉ cũng làm cho người bệnh thấy nhìn khó, vướng nhưng thị lực thường không giảm. Lúc đầu chỉ bị ở một bên mắt, sau đó xuất hiện sang mắt còn lại.               

Khi khám, bác sĩ thấy mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ, phù nề. Nhiều gỉ ở bờ mi và bề mặt kết mạc. Một số trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc. 

Nếu bị đau mắt đỏ, bác sĩ Hằng khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm. 

Người bệnh không sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt vì không những ít có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu. Một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm loét giác mạc, điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém kinh phí, di chứng nặng nề. Có nhiều bệnh nhân bị sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, thậm chí phải khoét bỏ mắt.

Phòng bội nhiễm, các bác sĩ kê kháng sinh nhỏ mắt 5 - 7 lần mỗi ngày. Nếu người bệnh có sốt, sưng hạch, viêm mũi họng thì có thể dùng kháng sinh đường uống.

Theo bác sĩ Hằng, cách điều trị tốt nhất là tra rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Người bệnh có thể sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ mắt ngày 4 - 6 lần để giảm cảm giác khó chịu.

Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoide phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ nhãn khoa. Nếu tự ý dùng thuốc có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm hoặc gây biến chứng nguy hiểm. 

Đối với những trường hợp viêm có giả mạc làm cho thuốc ngấm vào kết mạc kém, bác sĩ sẽ chỉ định bóc giả mạc 2 - 3 ngày một lần. Khi người bệnh có sốt, đau nhức có thể dùng thuốc hạ sốt giảm đau. 

Trường hợp viêm kết mạc dị ứng bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt có kháng histamine hoặc các loại thuốc giúp kiểm soát tình trạng viêm, trường hợp nặng có thể thêm Corticoid hoặc kháng sinh khi bội nhiễm. Cần loại trừ tác nhân gây viêm dị ứng. Nên ngừng đeo kính áp tròng khi có viêm kết mạc cấp.