Sinh con đầu lòng suôn sẻ ở tuổi 31, chị Lê Thị Lan (Đồng Nai) tưởng mình sẽ làm mẹ dễ dàng vì đã tham khảo nhiều sách vở, tài liệu. Tuy nhiên, ngay trong tháng đầu tiên, chị không có một đêm ngủ tròn giấc vì con khóc và hờn liên tục. Dù chồng hỗ trợ nhưng chị cảm thấy không yên tâm nên chuyện gì cũng muốn tự làm.

Ban ngày, bé ngủ ít nên chị Lan cũng không thể ngủ bù. Đến tối, giấc ngủ bị cắt đứt liên tục. “Mệt mỏi rũ rượi, có lúc tôi bế con lên và ném xuống giường rất mạnh, rồi lại khóc theo con”, chị kể lại.

Thấy tình hình căng thẳng, chồng chị Lan tính nhờ cha mẹ hai bên lên giúp chăm bé nhưng lại sợ phiền. Nếu thuê người trông con, chi phí 7 triệu/tháng là quá sức với thu nhập hiện tại. Chị Lan lại tiếp tục gồng mình.

“Có lúc điên cuồng, tôi muốn lấy dao cứa vào người để giải tỏa nhưng chồng phát hiện và ngăn cản kịp. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của tôi vì trầm cảm sau sinh”, chị tâm sự. 

Một phụ nữ bị rối loạn giấc ngủ, có biểu hiện trầm cảm khi chăm con 6 tháng tuổi. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm sau sinh. Trong đó, có yếu tố thể chất và tâm lý, rối loạn giấc ngủ.

Theo bác sĩ Mẫn, sau sinh con, người phụ nữ trải qua giai đoạn vượt cạn với cơn đau và mệt mỏi về thể xác. Quá trình chăm sóc con, người mẹ có tâm lý con khóc thì phải cho bú mà không kiểm tra các nguyên nhân khác. Việc này dẫn đến mỗi đêm, người mẹ phải thức rất nhiều lần cho trẻ ăn và kiệt sức dần. Từ đó, dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.  

Bên cạnh đó, thay đổi nội tiết, thay đổi hormone, thay đổi về tâm lý, xã hội… cũng có thể khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm sau sinh. Những người mẹ sau sinh trở nên nhạy cảm và dễ buồn phiền, căng thẳng hơn khi con khóc đêm, nhưng lại không được nghỉ ngơi.

Nhiều người mẹ chán nản, chán ăn uống, không chăm sóc bản thân, không giao tiếp với các mối quan hệ xã hội và co rút lại. Hậu quả là họ cảm thấy cuộc đời bế tắc, mất hết năng lượng. Để phòng ngừa tình trạng rối loạn trầm cảm sau sinh, người thân cần đồng hành với người phụ nữ mang thai, giúp họ không mặc cảm về cơ thể hay phải chịu cảm giác cô đơn.

Bác sĩ Mẫn khuyến cáo khi có các dấu hiệu bất ổn trên kéo dài trên 2 tuần, gia đình nên đưa người mẹ đến gặp chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần để ngăn chặn các bất ổn, xung đột hay các hậu quả có thể xảy ra.

Vai trò của gia đình rất quan trọng. Người mẹ cần được hỗ trợ ngay sau khi sinh để lấy lại sức lực, tinh thần và cảm thấy cân bằng. Người thân tuyệt đối không để những người phụ nữ sau sinh có suy nghĩ họ đang ăn bám. Thực tế, việc mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ là nhiệm vụ hết sức cao cả và khó khăn.

Bất cứ người phụ nữ nào cũng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. 

Bên cạnh đó, người mẹ nên có những bài tập phù hợp để nâng cao thể chất, ra ngoài vận động, giao tiếp và tương tác với bên ngoài, tránh sự tù túng xung quanh căn phòng và những bức tường; học cách thư giãn để giải tỏa căng thẳng, ngủ đủ giấc và chăm sóc bản thân.

Theo các chuyên gia, bất cứ người phụ nữ nào cũng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Khoảng 30-85% phụ nữ rơi vào trạng thái buồn sau sinh với triệu chứng cảm xúc dễ dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu.

Ở Việt Nam, nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6%-33%. Tuy nhiên, 50% người mẹ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Nhiều trường hợp sản phụ có biểu hiện trầm cảm nhẹ nhưng không chia sẻ, giấu bệnh dẫn tới tình trạng nặng nề hơn. 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra trầm cảm sau sinh còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Người mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm dến đến dễ bị mắc các bệnh về tiêu hóa, truyền nhiễm. Trẻ sơ sinh có mẹ trầm cảm có sự gia tăng hormone (cortisol), có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, hay khóc hơn và ít được chăm sóc hơn trẻ có mẹ không bị trầm cảm.

Giao Linh, Hoài Linh, Hồng Nhì, Diệu Thúy