Cục Công nghiệp Việt Nam và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành công nghiệp.

Bộ công cụ Đánh giá Chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm tăng cường vị thế và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

1 ra mat chuyen doi so cnht 1.jpg

Trong thời đại mà tốc độ của kết nối, thông tin, phát minh và đổi mới sáng tạo, cùng những biến chuyển phức tạp của kinh tế toàn cầu, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn/quy chuẩn của khách hàng ngày càng khắt khe như việc tuân thủ kỹ thuật, giảm phát thải khí nhà kính, truy xuất nguồn gốc, kết nối và minh bạch.    Chuyển đổi số đang nhanh chóng thay đổi cuộc chơi của các doanh nghiệp trong nước thông qua việc tăng cường hiệu quả, cải thiện tính bền vững, nâng cao năng lực nhờ tự động hóa và hợp lý hóa quy trình. Tận dụng khả năng phân tích tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật, … doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như tăng tốc đổi mới và phát triển sản phẩm.

“Chuyển đổi số là nền tảng để các nhà sản xuất tiếp tục phát triển và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát triển ngành công nghiệp quốc gia vững mạnh và hiện đại. Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm áp dụng chuyển đổi số do bị hạn chế bởi chi phí đầu tư và thiếu thông tin, bộ công cụ thiết thực này sẽ cho phép các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các giải pháp kỹ thuật số phù hợp với năng lực và nguồn lực của mình”, phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Được IFC và Cục Công nghiệp hợp tác phát triển trong khuôn khổ Chương trình Thí điểm Chuyển đổi số, bộ công cụ này kết hợp các thông lệ tốt nhất của quốc tế và khu vực, đánh giá chuyển đổi số của doanh nghiệp trên bảy lĩnh vực chính bao gồm i) Chiến lược và Lãnh đạo, ii) Con người và Văn hóa Công ty, iii) Khách hàng, iv) Vận hành, v) Sản xuất, vi) Công nghệ kỹ thuật số và Bảo mât, và vii) Phát triển Bền vững. Qua đó giúp các doanh nghiệp sản xuất xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số của riêng mình, khắc phục các “điểm yếu” trong sản xuất và tang cường khả năng cạnh tranh.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết: “Bộ công cụ này thể hiện một bước tiến quan trọng đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trên hành trình hướng tới chuyển đổi số, tập trung ngày càng nhiều vào tính bền vững, góp phần quan trọng trong việc tham gia  sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện liên kết FDI”.

Đây cũng là bộ công cụ đầu tiên ở Việt Nam tích hợp đánh giá việc số hóa quá trình chuyển đổi xanh và áp dụng các thực tiễn sản xuất bền vững của doanh nghiệp. Thông qua việc áp dụng chuyển đổi số theo hướng sản xuất bền vững, các nhà cung cấp có thể xây dựng quy trình hiệu quả, tăng cường việc giảm phát thải, cũng như tuân thủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của nhà nước và khách hàng. 

Chương trình Thí điểm Chuyển đổi số được triển khai với sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản, tiếp nối thành công của Chương trình Phát triển Nhà cung cấp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tỷ trọng giá trị gia tăng tạo ra và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Y Nhụy