Tại Seoul, thủ đô sắc đẹp của thế giới, các bác sĩ phẫu thuật giảm giá cho sinh viên mới tốt nghiệp và thậm chí là học sinh trung học để họ sẵn sàng cho thị trường việc làm. Sơ yếu lý lịch ở Hàn Quốc thường yêu cầu người xin việc đính kèm một bức ảnh cũng như cân nặng và chiều cao. 

Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Gallup Korea, một phần ba số phụ nữ Hàn Quốc từ 19 đến 39 tuổi đã trải qua một số loại phẫu thuật thẩm mỹ - 66% cho biết họ sẽ "dao kéo" để cải thiện cơ hội kết hôn. 

Cuộc khảo sát năm 2007 cho thấy cứ 4 bà mẹ Hàn Quốc thì có 1 người khuyên con gái từ 12 đến 16 tuổi phẫu thuật thẩm mỹ. Ngành công nghiệp làm đẹp của Hàn Quốc trị giá 10 tỷ USD. 

Tuy nhiên, một số phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy mọi chuyện đã quá đủ. 

Phẫu thuật thẩm mỹ và mỹ phẩm đã trở thành một phần quan trọng của xã hội Hàn Quốc. Nhưng nhiều phụ nữ đang bắt đầu chống lại các tiêu chuẩn. Ảnh minh họa: AP

Kể từ năm 2018, hàng trăm nghìn người đã lên mạng xã hội đăng ảnh họ cắt mái tóc dài và tẩy lớp trang điểm. Họ ra đường trong bộ quần áo rộng thùng thình và đeo kính.

Họ gọi phong trào của mình là "Escape the Corset”. 

"Đó như một cuộc tổng đình công chống lại loại hình lao động (thẩm mỹ) mà phụ nữ Hàn Quốc phải làm", Elise Hu nói. Cô là tác giả cuốn sách Hoàn mỹ: Bài học về ngoại hình và văn hóa từ kinh đô sắc đẹp Hàn Quốc

Các nhà nữ quyền trẻ tuổi mà Hu đã nói chuyện cùng cho biết họ đã chi từ 500 đến 700 USD một tháng cho việc chăm sóc da. 

Hu nói với Insider, khi từ bỏ đồ trang điểm, sản phẩm chăm sóc da và liệu pháp thẩm mỹ, "họ đã giải phóng rất nhiều thời gian và năng lượng, đó là đòn bẩy quan trọng cho sự tự do của chúng ta". 

Dữ liệu tiêu dùng của Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho thấy phụ nữ tầm 20 tuổi đã chi tiêu ít hơn cho làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ. 

Nghĩa vụ làm đẹp

Ở Hàn Quốc, vẻ đẹp không chỉ nằm ở bề ngoài. Đó là một nghĩa vụ.

"Đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về ngoại hình chỉ được coi là lịch sự. Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ để bạn trông đẹp hơn cho bản thân. Đó còn là vấn đề tôn trọng những người khác trong cộng đồng”, Hu giải thích. 

Điều này có thể cho phép phụ nữ (và đôi khi là nam giới) vượt qua ranh giới giai cấp nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại.

Hu từ Mỹ chuyển đến Seoul vào năm 2015 với tư cách là phóng viên quốc tế. Ngay lập tức, cô đã cảm thấy sự bất bình đẳng khi là phụ nữ. Những người lạ nhận xét về những nốt tàn nhang và vóc dáng to lớn của cô. 

Hu là cựu người mẫu thường mặc cỡ 8 nhưng đã phải đến một cửa hàng đặc biệt dành cho những người có thân hình quá khổ. Ở Hàn Quốc có cỡ tự do tương đương với các cỡ nhỏ nhất (0-2) của Mỹ. 

Nhưng hiện Hu đã chứng kiến một sự thay đổi chậm rãi, ổn định. 

Hu nói phụ nữ Hàn Quốc dường như cảm thấy quá đủ với những chiếc váy bút chì bó sát, mái tóc dài sang trọng, làn da hoàn hảo và luôn trang điểm kỹ lưỡng. "Vì vậy, họ lên mạng xã hội và cắt tóc, họ đập nát hộp trang điểm, họ tính xem đã chi bao nhiêu thời gian và tiền bạc để duy trì vẻ bề ngoài, rồi đưa ra những biên lai đó và thông báo rằng họ sẽ không làm thế nữa”, Hu chia sẻ. 

Chấp nhận mạo hiểm

Một báo cáo về phong trào phụ nữ Hàn Quốc cho biết số lượng người tham gia phong trào Save the Corset là 300.000 người. Họ từ bỏ rất nhiều cho quyền tự chủ của mình. 

"Họ hy sinh một số mối quan hệ gia đình, bởi vì họ sẽ không được mời tham gia các cuộc tụ họp. Họ bị ảnh hưởng trong tình bạn, nghề nghiệp, giảm cơ hội được tuyển dụng.

Có một giáo viên nói với tôi rằng học sinh liên tục hỏi tại sao cô ấy không để tóc dài hoặc trang điểm kỹ lưỡng vào buổi sáng. Đó là những học sinh tiểu học. Cha mẹ các em nói rằng cô giáo lười biếng. Đây chính là vấn đề, khi chúng ta coi ngoại hình đẹp như một trách nhiệm cá nhân”, cô nói.

Hu cho biết cô vẫn còn hy vọng cho phụ nữ ở Hàn Quốc và trên thế giới và cho những người đang cố gắng chống lại một xã hội quan điểm rằng ngoại hình là tất cả.