Mới đây, một phụ huynh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đăng lên mạng xã hội hình ảnh biên bản lấy ý kiến phụ huynh về chủ trương thực hiện xã hội hoá kinh phí để vận hành, bảo trì hệ thống máy điều hoà theo đề án của thành phố.

Trong biên bản lấy ý kiến, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã liệt kê các con số dự kiến phương án về mức kinh phí vận động xã hội hóa để thực hiện chủ trương lắp máy điều hòa tại các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, mức kinh phí vận động xã hội hoá trong 1 năm học, trường đưa ra gồm: Tiền điện trong 9 tháng (khoảng 8,6 triệu đồng/lớp); Phí bảo trì, vệ sinh 2 máy (600.000 đồng); Phí vận hành ban đầu cho 2 máy là 5 triệu đồng (chỉ thu năm đầu tiên khi bắt đầu sử dụng thiết bị).

Dự kiến, tổng chi phí tối đa là hơn 14 triệu đồng. Với bình quân mỗi lớp 35 học sinh, dự kiến mỗi tháng, 1 học sinh đóng hơn 45.000 đồng. Phụ huynh này cho rằng việc thu 5 triệu đồng tiền lắp đặt/lớp là cao và tiền điện của 9 tháng/học sinh/năm học là bất hợp lý vì vào mùa đông sẽ không dùng.

Lấy ý kiến nhằm xây dựng đề án lắp máy điều hoà tại các trường học

Trả lời VietNamNet, ngày 31/10, ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), cho biết, về chủ trương lắp máy điều hoà tại các phòng học, ngày 31/10, các lớp tổng kết ý kiến của phụ huynh và gửi về trường để tổng hợp, báo cáo lên quận.

phu huynh.jpg
Phiếu lấy ý kiến phụ huynh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Ảnh: Chụp màn hình)

Lý giải về thông tin trên, ông Phước cho hay, việc lấy ý kiến này được thực hiện theo chủ trương của cấp trên, cụ thể, từ chỉ đạo của UBND TP, các ngành liên quan, trong đó Sở GD-ĐT đã triển khai đến các địa phương. 

Theo ông Phước, UBND quận Thanh Khê đã có văn bản yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với phụ huynh, tổng hợp và gửi báo cáo về Phòng GD-ĐT quận trước ngày 4/11.

Tuy nhiên, các chỉ đạo của Sở GD-ĐT và quận Thanh Khê không đề ra mức cụ thể bao nhiêu về chi phí thực hiện các vấn đề liên quan như phí vận hành, tiền điện, bảo trì sau khi được trang bị máy điều hòa. 

Ông Phước cho biết, phía nhà trường muốn xây dựng khung dự kiến để tạo sự rõ ràng, thống nhất ngay từ đầu với phụ huynh. Sau đó, trường đưa ra các dự kiến về mức kinh phí vận động xã hội hoá trong 1 năm như trong biên bản lấy ý kiến. 

Sau đó, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh từ ngày 28/10. Những dự toán này mới là mô phỏng, sơ khởi ban đầu để phụ huynh nắm.

“Các chi phí trên chỉ là dự kiến ở mức tối đa nếu đề án đi vào thực tế. Chúng tôi làm dự kiến ở mức tối đa để khi đề án đi vào thực tế, phụ huynh không thất vọng. Nhà trường ghi nhận tất cả các ý kiến của phụ huynh và tổng hợp để báo cáo cấp trên", ông Phước thông tin.

W-phu-huynh1-1.jpg
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Cũng theo ông Phước, trong biên bản lấy ý kiến, nhà trường cũng đề xuất 3 mục gồm: Đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác. Ông Phước lý giải thêm, quá trình này mới chỉ ở giai đoạn "phôi thai". Quá trình thực hiện sau này phải có đề án rõ ràng, được HĐND TP Đà Nẵng thông qua.

“Chủ trương lắp đặt điều hoà ở các phòng học của TP Đà Nẵng là hợp lý, nhất là  vào mùa nắng nóng. Trong quá trình thực hiện, đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường sẽ linh hoạt giải quyết. Điều cốt yếu là tạo môi trường tốt nhất cho các em học tập" ông Phước nhấn mạnh.

Dự kiến đầu tư hơn 5.000 máy điều hoà cho các trường học

Trước đó, vào tháng 3/2023, từ đề nghị của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hoà tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. 

Số điều hòa trang bị cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn dự kiến là 5.167 máy, với tổng chi phí hơn 98 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ ngân sách thành phố. Mỗi phòng học dự kiến lắp 2 máy.

Ngày 18/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD-ĐT, trong đó nêu ý kiến việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hoà sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì.

Vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của đề xuất trên, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học. Theo đó, đối với các trường đề xuất kinh phí từ xã hội hoá, phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh.

Từ đó, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã triển khai cho các quận, huyện tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 10/11, để Sở GD-ĐT tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.