Nằm trên vùng cao nguyên, Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi đất đai màu mỡ, rộng lớn với 2/3 diện tích là đất đỏ bazan, điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, dược liệu, rau hoa chất lượng cao và đặc biệt là cà phê.

Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai. Gia Lai hiện đang là một trong 8 tỉnh được lựa chọn để triển khai đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2030.

Trước đây cà phê mang tính chất nguyên liệu nhưng hiện nay, cà phê đã được chế biến thành đặc sản, đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Chính vì vậy, đây là cơ hội lớn để đưa cà phê lên tầm cao mới về sản phẩm.

Việc phát triển vùng nguyên cà phê liệu sạch sẽ góp phần xây dựng được câu chuyện của hạt cà phê. Đây là yếu tố nhân văn, được người nước ngoài quan tâm khi phát triển vùng cà phê, từ đó, xây dựng được thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp. Thông qua sản xuất cà phê, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, trong đó có một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2025, Gia Lai sẽ hình thành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản.

Kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.200 ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 1.000 ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích này đạt khoảng 2.300 ha, sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn.

W-anhcaphe-1.png
Robusta được xem là “vàng nâu” của Gia Lai

Robusta được xem là “vàng nâu” của vùng đất đỏ. Thời gian qua, Gia Lai luôn là một trong những tỉnh thành đóng góp lượng Robusta xuất khẩu lớn nhất cả nước. Việc từng bước xây dựng và mở rộng diện tích cà phê đặc sản sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới, tạo động lực để người dân nâng cao chất lượng cà phê. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và các thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm, trước tiên phải chú trọng đến chất lượng cà phê từ nguồn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch để cho ra sản phẩm đồng nhất cả về mẫu mã cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh khoảng hơn 200 ha, sản lượng 62 tấn. Sản lượng cà phê đặc sản không thể thu hoạch 100% diện tích vì chế biến loại cà phê này phải chọn lựa từng hạt chín đảm bảo chất lượng, nên chỉ chiếm khoảng 3-12% tổng sản lượng thu  hoạch trên toàn diện tích trồng.

Bởi vậy, để thay đổi văn hóa cà phê, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp chuyển giao phương tiện kỹ thuật và kiến thức giúp người dân canh tác theo quy trình khép kín, có như vậy, cà phê của vùng đất đỏ Gia Lai mới đứng vững trên tầm cao mới.

Nhóm PV