Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy Tăng trưởng Xanh tại Việt Nam.

Theo khảo sát của VCCI thực hiện trên 10.000 doanh nghiệp trong nước, 56% doanh nghiệp cho biết đã nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất và 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới đồng thời phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0.” Các doanh nghiệp này bước đầu đã bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh tiếp nối những cam kết đổi mới của cộng đồng toàn cầu đối với Thỏa thuận Paris tại COP 28 tổ chức tại Dubai năm 2023, cùng với những nỗ lực tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua việc ban hành và triển khai những khuôn khổ pháp lý quan trọng. Hội thảo Doanh nghiệp về Chuyển đổi Xanh, Tài chính Xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050, hôm 11/4 nhằm chia sẻ những thông tin cập nhật nhất về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net Zero cũng như thảo luận về các cơ hội cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

hoithao.png
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, khẳng định phát triển bền vững là điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.

Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng không tại COP 26, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp. Để thực hiện các cam kết này, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bằng các hành động thiết thực.

Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030. Hiện Việt Nam đang triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, thực hiện kế hoạch JETP. Trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đang triển khai quyết liệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải khí nhà kính với nhiều chính sách đang sửa đổi.

“Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính Việt Nam phải huy động nguồn lực lên đến 368 tỷ USD từ nay đến 2040, tương đương với GDP của gần 1 năm của Việt Nam. Với một thách thức và nguồn lực như vậy cần thiết sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Fukuda Koji, Cố vấn trưởng, Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam của JICA (SPI-NDC) nhấn mạnh về vai trò và nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm mở rộng danh mục Đầu tư Xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư/tài trợ vốn, ở cả quy mô toàn cầu và trong nước.

Chia sẻ về cách tiếp cận chiến lược của các tổ chức này nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam, ông Fukuda Koji cho biết thêm các tổ chức này đang cung cấp các Khoản vay Xanh. Hiện, tỷ lệ dư nợ Tín dụng Xanh so với tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại (tính đến tháng 9/2023) đạt khoảng 3%-10%.

Do đó, Fukuda Koji khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức ESG và bền vững, để nâng cao năng lực sẵn sàng đón nhận cơ hội vốn Đầu tư Xanh.

PV