Trong chương trình Học viện cải lương, NSND Bạch Tuyết trải lòng về cải lương xưa, đồng thời nhắn nhủ đến các bạn trẻ yêu quý, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Bạch Tuyết
.jpeg
NSND Bạch Tuyết. Ảnh: FBNV

Ở tuổi 80, NSND Bạch Tuyết khỏe mạnh, tràn đầy nhiệt huyết và vui khi phần lớn thí sinh tham gia đều thuộc gen Z.

“Tôi sinh ra trước, nên nay lớn tuổi hơn các bạn nhưng tâm và ý không tuổi. Hai yếu tố này quyết định cuộc đời chúng ta. Tâm và ý sinh tướng, tác động đến vẻ đẹp. Ý nghĩ lành, tâm lành, thì mọi sự phát triển tốt đẹp. 

Vì thế, tại đây không có ranh giới giữa người nhiều tuổi và người ít tuổi, người nổi tiếng hay không nổi tiếng. Chúng ta công bằng trong tình yêu, khát vọng dành cho cải lương và văn hóa Việt”, bà chia sẻ với thí sinh khi mở đầu cuộc trò chuyện.

Bạch Tuyết cho rằng đến hiện tại nhiều nghệ sĩ vẫn còn được khán giả nhắc vì họ có nhiều tuồng hay, vai diễn ấn tượng. Bà đề cao vai trò của tác giả. 

Vì thế, theo bà, ngoài kỹ năng ca - diễn thì việc thế hệ nghệ sĩ mới biết sáng tác, tập tành sáng tác cũng rất quan trọng, hướng tới trở thành nghệ sĩ toàn năng. 

“Thời chúng tôi cực nhưng cũng sướng lắm. Ông bầu phát hiện nghệ sĩ có hơi tốt mời về ngay, mướn soạn giả viết tuồng, người đờn. Sau đó, họ cho thu tuồng, thu bài, phát trên đài phát thanh mỗi ngày 5 lần. Nếu ca hay chỉ 3 tháng sau nghệ sĩ sẽ nổi tiếng. Chỉ cần nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được ông bầu, bà bầu thưởng thêm rất nhiều. 

Nghệ sĩ vì thế không tranh đua, chỉ tập trung làm nghề cho thật tốt. Năm 16 tuổi, khi tôi làm đào chánh, ký một giao kèo đã cất được căn nhà lầu 3 tầng cho ba mình. Ở học viện này, chúng tôi sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho các bạn được chăm chút như thế. Bạn nào siêng, chịu học sẽ phát triển”, bà nói.

NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh thời điểm hiện tại, nghệ sĩ cần hoạt động có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng mới có thể phát triển bền vững.

'Cải lương chi bảo' cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm nghề cho họ. Theo bà, để nổi tiếng nghệ sĩ cần quan sát kỹ mọi tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống; nhiều tâm lý, tính cách, vai trò khác nhau của con người, từ đó tổng hợp thành vốn liếng, là chất liệu thực cho đời sống sân khấu. 

Theo bà, hơn một trăm năm tồn tại, nghệ thuật cải lương đã đồng hành cùng dân tộc và văn hóa dân tộc. Đây là tiếng lòng của người dân qua từng thời đoạn, là tiếng nói yêu nước, chống giặc ngoại xâm, là tự tình của mỗi con người, số phận…

Vì thế, bà hy vọng trong điều kiện “thế giới phẳng” hiện nay, tất cả sẽ nắm được lợi thế không-biên-giới để mọi người cùng giúp cải lương tồn tại, phát triển.

batch dd425503559 122118838964178816 7343584281210163010 n.jpg
NSND Bạch Tuyết bên 2 nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng. 

Học viện cải lương là chương trình truyền hình thực tế gồm 12 tập, với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hoá. 

Các thí sinh sẽ được đào tạo, giao lưu và thi thố, trau dồi kỹ năng ca diễn. Theo BTC, hơn 300 thí sinh tham gia thi tuyển vòng sơ khảo. 

Chương trình xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND - Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình.