Theo báo cáo, ở Việt Nam, sản xuất lúa gạo đóng góp 19% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn quốc (NDC, 2022). Những khí thải này xuất phát từ các yếu tố khác nhau như phá rừng, việc sử dụng mật độ phân bón và nước tưới càng ngày càng tăng, và việc quản lý không tốt các sản phẩm phụ như rơm và vỏ trấu. Tương tự, các vườn trồng cà phê cũng cũng là một trong những nguy cơ trực tiếp và gián tiếp của nạn phá rừng. Để giải quyết những vấn đề này, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện hiệu suất kinh tế.

Ngày 27/3/2024, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) đã công bố một sáng kiến chung nhằm hỗ trợ các hộ nông dân quy mô nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Cần Thơ, Đắk Lắk và Sơn La, nhằm áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê và lúa. Những mô hình này dự kiến sẽ có tác động tích cực đến sinh thái nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện cuộc sống của cộng đồng địa phương.

1 kinh doanh tuan hoan 273.jpg
Kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện hiệu suất kinh tế.

Sự hợp tác này sẽ xác định và lan rộng các giải pháp tuần hoàn liên quan đến chất thải nông thôn và chất thải đô thị tại các địa điểm được lựa chọn thông qua các khóa đào tạo thực tiễn tăng cường năng lực cho 200 nhóm nông dân. Thêm vào đó, hai mô hình kinh doanh tiềm năng sẽ được chọn để xác định những khó khăn và tìm ra các giải pháp tuần hoàn phù hợp. Chẳng hạn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sẽ hỗ trợ những mô hình này trở nên khả thi về mặt kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và trở thành giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu.

Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam sẽ đồng chủ trì buổi hội thảo để phổ biến các mô hình kinh doanh cải tiến để nhân rộng ở các tỉnh khác và thúc đẩy việc học hỏi bằng cách tạo điều kiện kết nối các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, các công ty tư nhân, các hiệp hội, cơ quan học thuật và đối tác phát triển.

Được biết, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam được thành lập vào tháng 10/2021 bởi UNDP cùng với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ TN&MT. Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam hướng tới tăng cường đối thoại, tạo ra tri thức và huy động hành động tập thể hướng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đây là nền tảng đầu tiên do chính phủ lãnh đạo về kinh tế tuần hoàn và đã được nhắc tới trong Nghị định 08/2022/ND-CP. Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia và người dân để áp dụng thành công các nguyên tắc Kinh tế tuần hoàn, tạo ra sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật.

Mạng lưới hiện có có bốn đối tác chiến lược: Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Phần Lan và GIZ. Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam có trung bình 1500 lượt truy cập hàng tháng và đã phát triển một mạng lưới gồm hơn 65 thành viên tích cực.

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, "Áp dụng nguyên tắc tuần hoàn trong nông nghiệp có tiềm năng giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam, giảm thiểu chất thải và đồng thời còn tạo ra thêm các cơ hội việc làm. Sáng kiến thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ các công việc UNDP đang triển khai nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, và nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, sáng kiến cũng thúc đẩy sự tham gia của các hộ nông dân quy mô nhỏ tại 3 tỉnh triển khai sáng kiến".

Huệ Anh