Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Tại lễ ra mắt, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - cho biết tiếp cận nhật ký của bố từ khi mới lên 9 tuổi. Ông ngạc nhiên vì mẹ biết mà không ngăn cản bởi "nhật ký có cả chuyện buồng the".

"Đọc nhật ký của bố, tôi thấy được những ngóc ngách thú vị trong quá trình sáng tác của ông. Ví như xuất phát điểm của tiểu thuyết Đêm hội Long Trì chính là cuốn truyện nhỏ ông định viết cho thiếu nhi. Hay như trong lần định làm bài thơ về Lê Lợi, ông thấy kém quá, không hợp ý nên nhất định viết kịch Vũ Như Tô", nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.

W-z5378538595202-a1942020d7d481922cd3080dec87676e-1.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại lễ ra mắt sách.

Đọc nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng, Tiến sĩ Văn học Đỗ Thanh Nga nhận thấy, ngoài chân dung nhà văn muốn gửi gắm qua tác phẩm, còn thấy một chân dung khác, đời thường, trăn trở với lẽ sống, đạo làm người của ông.

"Lời văn trong nhật ký trau chuốt, thấy được nhân vật có thật trong lịch sử văn chương và xã hội; thấy được bức tranh bình diện văn hoá xã hội lúc bấy giờ; hình dung rõ nét nhà văn được đào tạo như thế nào dưới thời Pháp thuộc", Tiến sĩ Văn học Đỗ Thanh Nga nhận xét.

Nhật ký được viết trong suốt những năm từ 1938 - 1945, thời điểm trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ, là những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân, lập nghiệp từ một công chức sở thuế quan trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng. Đồng thời, đây cũng là những nét phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị. 

W-z5378553714853-33b936dcb987d6485a52d81e6ace5727-1.jpg

Trong bước đầu đến với văn chương, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng coi viết nhật ký là cách rèn luyện cách viết văn. Không những vậy, ông quan niệm “đang chép nhật ký và suy xét mình, và tìm lấy một quan niệm về nhân sinh”.

Cuốn nhật ký vì vậy hấp dẫn bởi cách viết ngắn gọn nhưng sống động, chi tiết chân thực giàu cảm xúc. Những trang nhật ký riêng tư của Nguyễn Huy Tưởng là tư liệu quý giá về đời sống xã hội, công chức, phần nào phác họa bức tranh văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.  

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô.  Các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ, yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa, Cô bé gan dạ… Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.