Trong dòng chảy cuộc sống, mỗi người có hướng đi và lựa chọn riêng. Nhiều người chọn con đường xa quê hương để đến chân trời mới lập nghiệp, sinh sống. Tuy vậy, cội nguồn, tiếng nói và tình yêu với Tổ quốc chưa bao giờ bị lãng quên. 

Theo số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có gần 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều nơi đã có thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí thế hệ thứ 4. 

351331628 782763306765781 9133370332678520220 n.jpg
Phụ huynh, giáo viên và học sinh Trường Việt ngữ Tokyo.

Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trên nhiều lĩnh vực, bà con kiều bào còn là sứ giả lan tỏa văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam đến bạn bè năm châu. Ngày qua ngày, ngôn ngữ Việt vẫn được gìn giữ, trân trọng và tiếp nối đến các thế hệ kiều bào trẻ.

Tại Nhật Bản, tỉnh Fukuoka là nơi tập trung đông người Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Fukuoka luôn tâm niệm về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt... 

Theo bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản vượt con số 500.000, trở thành cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài lớn thứ hai thế giới, chỉ sau cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. 

Khu vực Tây Nam Nhật Bản gồm 7 tỉnh và Okinawa, số lượng người Việt Nam khoảng có hơn 50.000 người và có chiều hướng tăng do chính sách thu hút nguồn lao động từ nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản. Với sự gia tăng về số lượng như vậy, không ít những gia đình người Việt đã hình thành tại đây, để rồi thế hệ trẻ em gốc Việt thứ 2, thứ 3 được ra đời.

Hiện nay, số trẻ em từ 0 đến 15 tuổi người Việt Nam được sinh ra tại khu vực tỉnh Fukuoka là hơn 1.000 cháu. Các cháu sẽ theo học tại các trường học từ mầm non, tiểu học và sử dụng tiếng Nhật để học tập, sinh hoạt. Cơ hội để các cháu sử dụng tiếng Việt hầu như rất ít, dẫn đến nguy cơ mai một tiếng Việt và không hiểu về văn hoá Việt Nam. Đặc biệt, nếu phụ huynh, gia đình không sát sao, chú trọng việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ, nguy cơ phai nhạt giá trị cội nguồn là điều khó tránh khỏi ở trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3.

Với mong muốn gìn giữ và phát huy ngôn ngữ - văn hóa dân tộc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka có rất nhiều các buổi họp, trao đổi và đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện, chương trình như: Hội thảo quốc tế “Tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em Việt Nam tại khu vực Kyushu”. Bên cạnh đó, mời các chuyên gia, giáo sư hàng đầu để xây dựng và triển khai “Khóa học phương pháp giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em người Việt Nam tại Kyushu” để đào tạo phương pháp giảng dạy bài bản cho phụ huynh, giáo viên tình nguyện và đặc biệt đã thành lập Ban tiếng Việt của Hội người Việt Nam tại Fukuoka để sẵn sàng cho nhiệm vụ giáo dục tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em gốc Việt tại Nhật. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ và đặc biệt quan tâm của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản. 

Việc dạy tiếng Việt và văn hóa cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản sẽ giúp nâng cao tính tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Năm 2023, tại tỉnh Fukuoka nói riêng và khu vực Kyushu nói chung, hoạt động dạy và học tiếng Nhật cho các cháu thiếu nhi gốc Việt diễn ra rất sôi nổi và được chuẩn bị một cách chu đáo, bài bản.

Điển hình như lớp học "Tiếng Việt của em" đã được khai giảng vào tháng 6/2023. Lớp "Tiếng Việt của em" có 30 học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học. Nét chữ chưa tròn, tiếng phát âm chưa chuẩn nhưng đó chính là sợi dây kết nối các em với quê hương Việt Nam.

Đây là sự mở đầu tích cực trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đến thế hệ tương lai, cũng như lời khẳng định “Dù bạn sinh ra, lớn lên ở đâu thì dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong mình, ngôn ngữ và văn hóa Việt vẫn thấm nhuần trong tư tưởng. Đó là kim chỉ nam cho mỗi bước đi trong cuộc đời chúng ta”.

Cũng trong năm 2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) ra mắt Tủ sách tiếng Việt, đặt tại trụ sở Tổng lãnh sự quán. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dành cho người mới học tiếng Việt, người dạy tiếng Việt, những người nghiên cứu tiếng Việt trong cộng đồng. 

ra mat tu sach.jpg
Cô và trò Lớp học "Tiếng Việt của em" trong ngày ra mắt Tủ sách tiếng Việt ở Fukuoka.

Cô giáo Lê Thị Bích Ngọc, Ban tiếng Việt, Hội người Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) cho biết, cô và các học sinh vô cùng háo hức khi đón nhận món quà có ý nghĩa là Tủ sách tiếng Việt. Tủ sách có nhiều sách phong phú và hấp dẫn, cũng như nhiều tài liệu, sách vở giúp trẻ em tiếp cận tốt hơn với tiếng Việt và văn hóa Việt.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp tục triển khai các cấp độ tiếp theo của bộ sách “Chào tiếng Việt” để đảm bảo đầy đủ tài liệu dạy học theo 6 bậc năng lực trong chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đồng thời, nghiên cứu một số phương án dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, học sinh nước ngoài có mong muốn học tiếng Việt ở một số địa bàn đặc thù...

Một địa điểm dạy tiếng Việt khác nhận được sự quan tâm của kiều bào ở Nhật là Trường Việt ngữ Tokyo. Gần 11 năm phát triển, với những hoạt động gần gũi, Trường Việt ngữ Tokyo đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam sang đất nước mặt trời mọc để các em nhỏ không quên nguồn cội.

Trong suốt thời gian qua, Ban Điều hành Trường Việt ngữ Tokyo và đội ngũ giáo viên đã xây dựng một môi trường học tập tiếng Việt cho thế hệ thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại Nhật. Ở đây, các em không chỉ học chữ viết, ngôn ngữ Việt mà còn được học về phong tục tập quán, ẩm thực 3 miền, để từ đó xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc một cách sâu sắc. 

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG chia sẻ, để ngôn ngữ Việt phát triển ở đất nước sở tại ngày một sâu rộng hơn, cần phải song hành với quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, trường đã tổ chức các hoạt động như: Trang trí tiểu cảnh Tết, gói bánh chưng, lì xì và tổ chức tiệc tất niên để các giảng viên người Nhật hiểu thêm về văn hoá Việt Nam. Đây cũng là dịp để sinh viên Việt Nam giới thiệu những phong tục, tập quán của người Việt Nam với bạn bè Nhật Bản nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.

Trong Chương trình Xuân Quê hương 2024 - Tết Việt Nam tại Fukuoka lần thứ 5 hồi đầu năm 2024, Học viện Nhật ngữ GAG đã đồng hành và tài trợ cho chương trình này với rất nhiều điểm nhấn như: “Tuần lễ áo dài tại Fukuoka" từ 18 – 21/01/2024 nhằm quảng bá văn hóa áo dài Việt Nam, đồng thời quảng bá cho du lịch của Fukuoka và Kyushu; “Thiết lập kỷ lục 1.500 người Việt Nam Nhật Bản mặc áo dài Việt Nam xếp bản đồ Việt Nam vào ngày 20/01/2024”. Chương trình lập kỷ lục này để thể hiện rõ tình cảm sâu sắc, tình hữu nghị của Việt Nam – Nhật Bản ngày càng bền chặt, đoàn kết và vì hòa bình trên toàn thế giới; “Lễ hội Tết Xuân Quê hương 2024” vừa diễn ra trong hai ngày 20 – 21/1.

Quỳnh Nga