Tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, xã Hỏa Tiến có diện tích trồng khóm (dứa, thơm) nhiều nhất tỉnh với hơn 900ha. Ở vùng đất này, cứ 10 gia đình thì có đến 9 hộ trồng khóm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Đẹp đã gắn bó với quả khóm từ rất nhiều năm qua. Chị cũng đã từng thử chuyển sang trồng loại nông sản khác, ví dụ như cây mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Theo chị Đẹp, vùng đất này phù hợp với quả khóm nên vài năm gần đây, đời sống kinh tế dân địa phương khá giả nhờ quả ngọt này. Sau một thời gian dài canh tác, khóm được tạo ra từ độ chua phèn của đất Hoả Tiến và cả tâm huyết của người nông dân cần mẫn.

“Trồng khóm tuy có vất vả nhưng vẫn đỡ hơn so với trồng mía hay lúa, làm ăn lại rất được”, chị tâm sự.

KHOM CAU DUC.jpg
Xã Hỏa Tiến từ lâu được mệnh danh là thủ phủ của khóm Cầu Đúc. Ảnh: Hoàng Giám.

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ không ai không biết ông Dương Văn Thanh, người được gọi là "vua khóm Cầu Đúc" với hơn 100 ha trồng loại đặc sản này. Theo ông Thanh, nếu trừ hết chi phí sản xuất, mỗi ha khóm có thể mang lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu đồng.

“3 năm trở lại đây, người trồng khóm khá lắm, đủ ăn thậm chí dư ăn, không còn nghèo như trước, ai cũng phấn khởi”, ông Thanh chia sẻ. 

Tỉnh Hậu Giang hiện có diện tích trồng khóm hơn 3.100ha với giống chủ lực là khóm Queen, tập trung ở TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Trong đó, diện tích khóm cho trái hằng năm chiếm gần 2.800ha, năng suất bình quân đạt 15,8 tấn/ha, sản lượng cả năm ước đạt gần 42.900 tấn.

Hiện nay, phần lớn khóm Cầu Đúc được canh tác theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGap, GlobalGap. Hậu Giang đã có 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được chế biến từ khóm Cầu Đúc. 

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định địa phương đang xây dựng thương hiệu và đầu tư vào chế biến sâu trái khóm. Hiện nay người dân Hậu Giang chủ yếu đang bán trái tươi trong khi một số quốc gia đã phát huy được sản xuất tơ vải từ lá khóm.

Tỉnh này đang từng bước nỗ lực phát triển thương hiệu và quảng bá hình ảnh cũng như kêu gọi đầu tư phát triển các nhà máy chế biến sâu với mặt hàng khóm, đưa trái khóm tiếp tục vươn xa. Việc hình thành nhiều nhà máy thu mua khóm để làm đồ hộp xuất khẩu giúp việc tiêu thụ nông sản này của người nông dân thuận lợi hơn. Giá khóm tăng cao, khiến lợi nhuận cải thiện đáng kể.

Mới đây, thêm một nhà máy chế biến khóm với quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành, Hậu Giang.

Khóm là một trong loại nông sản chủ lực trong chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, tỉnh nỗ lực đạt diện tích trồng 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm. 

Anh Thư