Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020, giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên.

"Đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển, cũng vì thế mà chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả nhất", Bộ trưởng cho biết.

Tháng 11/2023, khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định công nghệ thông tin trong quản lý của ngành y tế là “đòi hỏi rất cấp bách”. Tư lệnh ngành y cho biết để giúp tăng cường công tác quản lý, giảm chi phí và thuận tiện cho người dân, ngành Y tế đã chỉ đạo quyết liệt trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành.

Những lợi ích khi ngành y tế chuyển đổi số

Trong chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế xác định rõ tới năm 2025 phải xây dựng được nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số y tế khu vực phía Bắc diễn ra tháng 12/2023, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế đóng góp không nhỏ trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các đơn vị công nghệ thông tin đã phối hợp triển khai rất hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Bộ Y tế cho biết hết năm 2023, 100% cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chip. Tất cả sở y tế các tỉnh, thành; 4.160 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

chuyen-doi-sovnn-1.png
Chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cán bộ y tế, bệnh viện. Ảnh minh họa: Chí Hùng

Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước tiếp tục được sử dụng; hoạt động ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ người dân… được đẩy mạnh.

Ngoài ra, 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau (chuyển khoản, quét mã QR code, ví điện tử, thẻ khám chữa bệnh có kết nối với ngân hàng…) bảo đảm thuận tiện cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

Những hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế đã tập trung triển khai thời gian qua nhằm hướng đến nền y tế thông minh, hiện đại. Người dân, người bệnh đã được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế. 

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một trong các cơ sở y tế ghi dấu ấn mạnh mẽ trong chuyển đổi số, nêu 3 nguyên nhân để các cơ sở y tế cần nhanh chóng áp dụng công nghệ, chuyển đổi số. 

Thứ nhất, mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã thay đổi, tuổi thọ tăng lên, đô thị hóa ảnh hưởng tới sức khỏe. Người dân đã hiểu biết hơn về sức khỏe, công nghệ phát triển lan tỏa nhiều thiết bị công nghệ theo dõi sức khỏe như chỉ một chiếc đồng hồ đeo tay đo được điện tâm đồ, nhịp tim, độ bão hòa oxy, có thể tự xét nghiệm tại nhà…

Thứ hai, mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân đã khác. Trước đây, bác sĩ chỉ định còn hiện tại hai bên cùng trao đổi để chữa bệnh.

Thứ ba, thông tin bệnh nhân trước đây cập nhật rất khó, mang cả tập hồ sơ đi theo do chưa cập nhật rõ ràng còn hiện tại hồ sơ bệnh nhân đã được điện tử hóa, dễ dàng truy cập lịch sử khám chữa bệnh.

Dù chuyển đổi số đem lại giá trị thực tiễn rất lớn nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ không thể thực hiện đại trà, lấy của viện này áp cho viện kia mà phải cá thể hóa, “may đo riêng” cho từng cơ sở. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế đã học hỏi, nghiên cứu, “nhặt nhạnh” từng “bí kíp” của viện bạn, của đồng nghiêp, để áp dụng hiệu quả cho đơn vị mình.

benh-vien-thu-ducuntitled-21.jpg
Hơn 70 cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, tính tới hết năm 2023. Ảnh: Chí Hùng

Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, người đóng góp lớn trong quá trình chuyển đổi số của 2 trong 5 bệnh viện công lập đã công bố sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy của Hà Nội, cho biết chuyển đổi số là bước tiến lớn với nhiều viện, đòi hỏi sự chuyển đổi tư duy đến hành động của từng nhân viên. 

“Tôi từng ‘lang thang’ quan sát, tìm hiểu cách vận hành, phản ứng của bệnh nhân, thầy thuốc tại nhiều bệnh viện lớn để học hỏi, trước khi đưa ra ý tưởng cho bệnh viện mình quản lý. Có những bệnh viện tôi đi một mình tới 3-4 lần, nhặt nhạnh, nghiên cứu... 

Nhân viên y tế của tôi cũng chịu khó đến học hỏi các cơ sở khác để tự mình tham quan thực tế, trải nghiệm điều hay của đơn vị bạn. Cùng tiếp nhận 1.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày, tại sao viện bạn không ùn tắc chờ đợi, nhân viên y tế không mướt mồ hôi, nhưng viện mình lại bị? Đó là do hiệu quả của quy trình quản lý bằng công nghệ”, ông chia sẻ.

Một bệnh viện khác ở Hà Nội cũng được đánh giá cao trong nỗ lực chuyển đổi số là Đức Giang. Mỗi ngày bệnh viện hạng 1 này tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân tới khám, khoảng 700 bệnh nhân nội trú. 60% bệnh nhân tới khám ngoại trú có lịch hẹn trước, số còn lại là cấp cứu hoặc không hẹn. 

“Cuối năm 2019, khi bắt đầu áp dụng việc khám đúng giờ, đúng ngày đã hẹn, không ít bệnh nhân phàn nàn vì đến khám từ 6h nhưng 10h mới được khám theo lịch hẹn với bác sĩ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ với VietNamNet.

Sau khi xây dựng phần mềm đặt lịch hẹn khám theo mô hình “khoang máy bay”, bệnh viện yêu cầu nhân viên y tế phải tuân thủ lịch hẹn khám, đồng thời đào tạo bệnh nhân thói quen đến khám đúng giờ, đúng ngày. 

Ba tháng là quãng thời gian để bệnh viện đào tạo cho bệnh nhân thói quen này. Nay 90% lượng bệnh nhân có hẹn lịch đến đúng giờ, đúng ngày. 60 bàn khám của bệnh viện vì thế dù mỗi ngày đón tiếp tới 2.000 bệnh nhân nhưng không quá tải, chen chúc.

Chuyển đổi số để đưa ngành y vươn tầm cao mới

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho hay muốn làm được chuyển đổi số, lãnh đạo bệnh viện phải "rắn". Dù ban đầu có những xung đột nhưng lãnh đạo viện không "áy náy" bởi việc này rất có giá trị thực tiễn với bệnh nhân, nhân viên y tế. Bệnh viện không còn cảnh bệnh nhân chen nhau xếp hàng chờ khám từ 5h sáng, vừa chờ vừa tranh thủ ngủ. "Dễ tính với bệnh nhân sẽ phá vỡ quy trình chuyển đổi số", ông nhìn nhận.

Thực tế, chuyển đổi số y tế không chỉ được thể hiện trong việc cải tiến quy trình, thủ tục hành chính mà còn trong việc thầy thuốc ứng dụng công nghệ hiện đại với sự hỗ trợ của trợ lý ảo, robot hay trí tuệ nhân tạo để triển khai kỹ thuật cao, sâu, khó trong phát hiện, điều trị các bệnh lý nguy hiểm, phức tạp, đưa y học nước nhà bước lên tầm cao mới.

Theo Bộ Y tế đến năm 2025, định hướng tới năm 2030, 100% cơ sở y tế hạng 1 trở lên thực hiện khám chữa bệnh không giấy tờ. Bên cạnh đó, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, trên cơ sở từng bước xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế và các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, kết nối liên thông đáp ứng yêu cầu về các nhóm dữ liệu tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Y tế phiên bản 2.1. 

Để tiến tới một nền y tế "thông minh, hiện đại", nhiều bệnh viện đầu tư mức cao nhất cho công nghệ thông tin, thậm chí Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, một cơ sở hạng 2, mạnh dạn đặt mục tiêu năm 2024 sẽ tiến tới bệnh viện không giấy tờ. Tại Quảng Ninh, theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các đơn vị y tế toàn tỉnh sẽ thực hiện hoàn toàn bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy.

Ông Diện cho rằng đây là mục tiêu lớn, với khối lượng công việc rất nặng, đòi hỏi sự đầu tư cũng như tinh thần vào cuộc của tất cả đơn vị và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế toàn tỉnh. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự quyết tâm của ngành y tế tỉnh trong chiến lược chuyển đổi số.

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, chia sẻ chuyển đổi số y tế hướng tới hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao, được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, trọn đời; đồng thời góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, ông Tường cũng cho hay tại Việt Nam, chuyển đổi số y tế gặp phải nhiều khó khăn, điển hình là trong  việc thực hiện bệnh án điện tử (EMR). Bộ Y tế đánh giá EMR là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi từ bệnh án - hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử (bệnh án điện tử, y bạ điện tử) còn chậm.

Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở y tế có giường bệnh, với khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên, nhưng đến đầu tháng 1/2024, mới có hơn 70 cơ sở (cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Gần đây nhất là Bệnh viện Tâm thần Yên Bái, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc…

PGS.TS Trần Quý Tường nhìn nhận sự chậm trễ triển khai bệnh viện không giấy tờ đến từ 3 lý do chính: Lãnh đạo nhiều bệnh viện chưa quan tâm, chưa hiểu hết về bệnh án điện tử. Cùng đó, nhiều người e ngại tính minh bạch của bệnh viện không giấy tờ như vấn đề thuốc, tài chính, lạm dụng chỉ định. Cuối cùng, hiện chưa có cơ chế tài chính cho chuyển đổi số hay EMR của bệnh viện khiến nguồn nhân lực và hạ tầng thiết bị, công nghệ thông tin còn ở mức khiêm tốn, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được việc triển khai.

Một hạn chế lớn khác khiến chuyển đổi số y tế Việt Nam còn chưa như kỳ vọng là do thiếu tiêu chuẩn và hướng dẫn, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dữ liệu y tế là "tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khỏe". 

Theo các chuyên gia, khi các điểm nghẽn này được tháo gỡ, chuyển đổi số sẽ góp phần giúp ngành y tế phát triển “thông minh, hiện đại” bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ. Bởi vậy, nền y học hiện đại không thể tách rời vai trò của công nghệ.