Năm bản lề 2023: Dự kiến đứng trong tốp đầu toàn quốc và khu vực ĐBSH

Với khát vọng phát triển, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2023 nói riêng  và nửa nhiệm kỳ vừa qua nói chung, tỉnh Nam Định đã vươn lên, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Chia sẻ với VietnamNet, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá: "2023 là năm rất thành công của tỉnh Nam Định, một số chỉ tiêu kinh tế tăng cao như: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19% cao nhất từ trước đến nay".

Tho đó, giai đoạn 2021-2023, Nam Định có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 8,8%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Tổng số vốn đăng ký đầu tư từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023 đạt hơn 108.353 tỷ đồng và 467,4 triệu USD, vượt chỉ tiêu.

W-namdinh2-1.png
Nam Định từng bước thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, ước năm 2023, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,5%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,5%, tăng 5% so với năm 2020. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, so với năm 2020, tổng sản phẩm GRDP năm 2023 ước tăng gấp 1,3 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,4 lần; tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 1,4 lần; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 1,6 lần.

Tiếp tục kế thừa, phát huy thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, Nam Định từng bước thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Đến nay tỉnh đã có 190/204 xã, thị trấn (93,1%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và 22/188 xã (11,7%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đồng thời, Nam Định cũng tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn có ý nghĩa chiến lược, khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; Tỉnh lộ 488B, 485B; bệnh viện đa khoa tỉnh; tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển; cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng…

Đặc biệt, nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật về thu hút đầu tư. Từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 179 dự án (gồm 139 dự án đầu tư trong nước, 40 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 108.353 tỷ đồng và 496,1 triệu USD; tổng vốn đầu tư đăng ký đã vượt mục tiêu thu hút vốn của cả giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các dự án lớn, trọng điểm như tổ hợp dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng; một số dự án FDI lớn của các tập đoàn Quanta, Sunrise Material và JiaWei với tổng mức đầu tư 320 triệu USD.

Vừa mới đây, tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ với diện tích gần 14.000 ha.

Kế thừa truyền thống "đất học", ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục giữ vững thành tích gần 30 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao, trong 9 năm tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, Nam Định có 6 năm đứng thứ nhất, 2 năm đứng thứ nhì cả nước.

Chuyển sang giai đoạn bứt phá hoàn thành các mục tiêu phát triển 

Nếu như năm 2023 được xem là năm “bản lề”, năm 2024 sẽ là giai đoạn bứt phá để tỉnh Nam Định hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, vươn lên là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

W-namdinh-1.png
Nam Định dự kiến nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ lên 84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên.

Nam Định dự kiến đặt chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 9,5%-10,5%; nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ lên 84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 12.000 tỷ đồng.

Tỉnh cũng phấn đấu có thêm 7 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 huyện cơ bản đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu tạo thêm việc làm cho hơn 30.000 lượt người; kéo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 0,1%-0,5%; đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế từ 93,5% trở lên.

Đặc biệt, ở giai đoạn này, Nam Định tập trung thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách; chú trọng xúc tiến kêu gọi đầu tư và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư để sớm hoàn thành các dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Những thành tựu trên cho thấy, kết quả rực rỡ Nam Định đã đạt được trong năm 2023 nói riêng và nửa nhiệm kỳ vừa qua nói chung có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đây chính là hành trang quan trọng để Nam Định tiến gần hơn mục tiêu vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Thành Nam