Ngay sau vụ đột kích đẫm máu của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Mỹ đứng về phía Israel. Đối với bất kỳ ai nghĩ đến việc lợi dụng tình hình, tôi chỉ có một lời muốn nói: Đừng làm điều đó”.

my israel.jpg

Theo giới quan sát, cảnh báo rõ ràng nhắm tới Iran và các đồng minh, những đối tượng bị Washington cáo buộc hậu thuẫn nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine ở Dải Gaza.

Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ ở Iraq và Syria đã bị tấn công nhiều lần trong những ngày gần đây. Một tàu khu trục của Mỹ ở Biển Đỏ đã phải ngăn chặn các tên lửa phóng từ Yemen "có khả năng" nhắm vào Israel.

Mỹ đã triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay ở phía đông Địa Trung Hải và sẽ sớm có thêm một nhóm tác chiến tàu sân bay khác trong khu vực. Mỗi tàu sân bay chở theo hơn 70 chiến đấu cơ, tạo thành hỏa lực mạnh đáng kể. Ông Biden cũng lệnh cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ ở tình trạng sẵn sàng di chuyển đến khu vực nếu cần thiết.

Sẵn sàng trợ giúp

Theo BBC, Mỹ là nước hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Israel, với khoản viện trợ quốc phòng lên tới khoảng 3,8 tỷ USD mỗi năm.

Các máy bay chiến đấu và hầu hết các loại vũ khí dẫn đường chính xác quân đội Do Thái đang dùng để oanh tạc Dải Gaza đều do Mỹ sản xuất. Một số tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel là do Mỹ chuyển giao.

Washington thậm chí tái cung cấp những khí tài đó trước cả khi Tel Aviv đề nghị. Hôm 20/10, ông Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản tài trợ 14 tỷ USD cho đồng minh then chốt ở Trung Đông trong gói viện trợ quân sự khắp thế giới, trị giá 105 tỷ USD.

Một ngày sau, Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi 2 trong số các hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của mình tới Trung Đông, gồm một hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và thêm một hệ thống tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, liệu tổng thống Mỹ có thực sự sẵn sàng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khác, đặc biệt trong năm bầu cử? Những cuộc phiêu lưu quân sự gần đây của Mỹ trong khu vực tỏ ra tốn kém, xét cả về mặt chính trị, kinh tế và sinh mạng.

Cựu đại sứ Mỹ tại Israel Michael Oren tin, ông Biden đã thực hiện bước đầu tiên bằng việc điều động các tàu sân bay Mỹ trong khu vực. “Bạn không lấy loại súng lục đó ra trừ khi bạn sẵn sàng sử dụng nó”, ông Oren bình luận.

Song, Seth G Jones, Giám đốc phụ trách an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington nhận định, Mỹ sẽ e ngại can dự trực tiếp về mặt quân sự vào cuộc xung đột ở Gaza. Chuyên gia này cho rằng, sự hiện diện của các nhóm tấn công tàu sân bay có thể hữu ích "mà không cần bắn một phát súng", đặc biệt vì khả năng thu thập thông tin tình báo và cung cấp khả năng phòng không. Ông Jones nói, bất kỳ sự can dự nào cũng sẽ là "phương án cuối cùng".

Thực tế, chẳng có mấy ví dụ về việc Washington can thiệp trực tiếp thay mặt Israel. Việc Mỹ gửi các hệ thống phòng không Patriot đến bảo vệ quốc gia Do Thái khỏi các cuộc tập kích bằng tên lửa Scud của Iraq trước cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, là một ngoại lệ hiếm hoi. Hơn nữa, Mỹ thường xuyên sử dụng đòn bẩy quân sự của nước này để kiềm chế Israel.

Đề phòng xung đột lan rộng

Mối đe dọa từ phía bắc Israel, đặc biệt từ nhóm chiến binh Hezbollah ủng hộ Hamas ở Lebanon, đang khiến cả Tel Aviv và Washington lo lắng. Hai nước đồng minh coi Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Hamas ở Gaza. Tổ chức này nắm trong tay kho vũ khí gồm khoảng 150.000 tên lửa mạnh hơn và chính xác hơn những tên lửa đang được Hamas sử dụng.

Hezbollah coi nhà nước Do Thái là “kẻ thù không đội trời chung” và đã nhiều lần đọ súng với quân Israel qua biên giới trong thời gian qua. Cựu đại sứ Oren lo ngại, nhóm có thể can thiệp khi Israel "đã tiến sâu vào Gaza, dốc toàn lực và mệt mỏi".

Theo ông Oren, nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể huy động lực lượng không quân hùng mạnh của mình để tấn công các mục tiêu bên trong Lebanon. Song. ông không thấy có trường hợp nào Mỹ sẽ triển khai lực lượng trên bộ.

Cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều khẳng định, Washington sẽ đáp trả nếu tình hình leo thang và bất kỳ nhân viên hoặc binh lính Mỹ nào bị tập kích. Ông Austin hôm 22/10 nhấn mạnh, Mỹ có quyền tự vệ và sẽ không ngần ngại "thực hiện hành động thích hợp".

Chuyên gia Jones thừa nhận có nguy cơ xung đột lan rộng, nhưng ông tin sự răn đe của Mỹ "sẽ làm tăng chi phí rủi ro đối với Iran và các lực lượng ủy nhiệm”. Ông đánh giá, nếu Hezbollah tham gia vào một chiến dịch tấn công lớn từ phía bắc Israel, "nhóm có thể vấp phải phản ứng khá nghiêm trọng".

Hiện cũng có ý kiến cho rằng Israel sẽ không yêu cầu Mỹ trợ giúp quân sự trực tiếp trong trong xung đột với Hamas. Danny Orbach, giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học Do Thái ở Jerusalem chỉ ra rằng, học thuyết quân sự của Israel nêu rõ nước này cần tự bảo vệ mình.

Chuyến thăm Israel tuần trước của lãnh đạo Nhà Trắng đã cho thấy sự trợ giúp của Mỹ là có điều kiện. Ông Biden muốn Chính phủ Do Thái cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và ông không muốn thấy quân Israel chiếm đóng vùng đất này vô thời hạn. Tổng thống Mỹ chia sẻ trên chương trình 60 Minutes của đài CBS rằng, làm như vậy sẽ là một "sai lầm lớn".

Ngoài ra, sự hỗ trợ của Mỹ có thể bị giới hạn về thời gian. Yaacov Katz, nhà phân tích quân sự phụ trách chuyên mục của tờ Jerusalem Post nhận định, sự trợ giúp của Washington dành cho Tel Aviv sẽ chịu áp lực ngay khi quân đội Israel tiến đánh Gaza trên bộ và thương vong của dân thường ngày càng gia tăng. Ông tin sự hỗ trợ có thể giảm bớt trong vòng vài tuần.

Các nhà quan sát đều thống nhất rằng, Mỹ rõ ràng hy vọng sự hỗ trợ quân sự dành cho Israel cũng như sự tăng cường hiện diện quân sự của họ trong khu vực sẽ đủ để ngăn chặn xung đột lan rộng.