Sau khi tìm hiểu, tôi biết được cô này đã vay rất nhiều người với tổng số nợ lên đến 20 tỷ đồng. Xin hỏi tôi có thể kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được không? Việc tôi cho vay với lãi suất 5000 đồng/ngày có ảnh hưởng gì không, dù thực tế tôi chưa nhận được một đồng tiền lãi nào. Quá trình cho vay mượn chỉ trao đổi qua tin nhắn và ảnh chụp giao dịch chuyển tiền kèm xác nhận hai bên.

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại điều 174 BLHS 2015 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:

(i) Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

(ii) Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.

(iii) Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Trong sự việc của bạn, bạn chưa nêu rõ cô A có sử dụng hành vi gian dối để vay tiền của bạn hay không. Nếu cô A có những hành vi gian dối để tạo sự tin tưởng nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn mới có thể kết luận cô A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu bạn và cô A chỉ là quan hệ cho vay tiền qua lại với nhau thì đây chỉ là giao dịch dân sự cho vay tiền. Bạn có thể đòi lại khoản tiền của cô A thông qua khởi kiện vụ án dân sự đòi nợ vay tại Toà án có thẩm quyền nơi cô A cư trú.

Về lãi suất cho vay:

Điều 468 BLDS quy định:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Đối với lãi suất 5.000 vnđ/1 triệu/1 ngày, ta có thể tính lãi suất trên năm là 180%/năm. Theo đó, hành vi cho vay nặng lãi quy định tại Điều 201 BLHS 2015:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp bạn chưa nhận được trả bất cứ khoản tiền lãi nào. Ngoài ra, trong giao dịch dân sự, Tòa án chỉ chấp nhận mức lãi theo điều 468 BLDS 2015:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”

Do thỏa thuận vay của bạn đã vượt quá mức 20%/năm nên khi bạn khởi kiện cô A, Tòa án chỉ chấp thuận yêu cầu cô A phải trả mức lãi suất là 20%/năm.

Về hình thức giao dịch cho vay:

Căn cứ tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau: 

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó".

Theo đó, hai bạn đã có sự thảo thuận qua việc nhắn tin trao đổi bằng phương tiện điện tử. Điều 14 Luật Giao dịch điện tử cho biết:

1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Nếu các tin nhắn có nguồn gốc khởi tạo và có tính toàn vẹn và các yếu tố khác để Toà án công nhận thì có thể dùng làm chứng cứ khi nộp hồ sơ khởi kiện vụ kiện tranh chấp nợ vay.

Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc