Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một trong những di sản chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và mang bản sắc độc đáo của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Ngày 1/12/2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO) ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau gần 7 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh sức lan tỏa mạnh mẽ của di sản này ở nhiều địa phương thì việc thực hành còn bộc lộ một số mặt hạn chế.

Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống… Tất cả những bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng trái chiều tới nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

z4836712970938 803ec20d3772d4d9c9f3fb293f0dc355.jpg
Ông Hoàng Minh Quân (thầy Quân) cũng là một đồng thầy.

Ông Hoàng Minh Quân - Phó trưởng Ban Phát triển văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, Viện Phát triển văn hoá dân tộc cho rằng, đã xảy ra nhiều trường hợp biến tướng “khi các thầy, thủ nhang không hướng dẫn con nhang đệ tử theo đúng chuẩn mực”.

Sự thả lỏng dẫn đến nhiều sai lệch, những giá hầu không hề có trong truyền thống, thậm chí rất phản cảm, từng bị dư luận lên án gay gắt.

Với kinh nghiệm là người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và ở góc độ là cơ quan nghiên cứu, ông Hoàng Minh Quân mong muốn tạo nên một mô hình đào tạo để đưa di sản này vào nề nếp.

Ông Hoàng Minh Quân nhận thấy một thực tế nhiều người theo đạo Mẫu nhưng không được định hướng mà bị thả nổi, hổng kiến thức kiểu “chỉ cần mở phủ trình đồng là xong”.

"Từ điểm yếu này dẫn đến mặt trái khác như hiện tượng vinh danh giả. Tôi mong muốn có cơ chế đặc thù, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đúng lề lối cùng ngồi lại, thống nhất một cách thức đúng chuẩn theo Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng.

36 giá đồng chỉ được hầu trong khuôn khổ đó thôi, ngoài ra không được phép hầu các giá biến tướng khác. Và trong bối cảnh này, cần có những định hướng chuẩn mực, với sự tham gia của các cơ quan chức năng, các cá nhân uy tín để xây dựng mô hình điểm.

Tôi tâm niệm phải tìm cách khắc phục những mặt trái này, thành lập lớp đào tạo, từ đó nhân mô hình ra các địa phương, ai sai quy chế, cứ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mà ‘tuýt còi’”, ông Hoàng Minh Quân bày tỏ.

Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Phương Đông - người đã có hơn 50 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho biết, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với vai trò là Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên, bà luôn sâu sát thanh đồng, hướng dẫn họ đi đúng đạo, không được làm trái pháp luật, chấp hành Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng. 

“CLB của chúng tôi gần 300 hội viên, thực hành đúng lề lối nghi lễ của di sản. Mỗi vấn hầu đều đi sâu sát, uốn nắn các thanh đồng, ai cũng hiểu khi bước vào hầu thánh thì cái tâm phải trong sáng, hướng thiện, gương mẫu”, bà Đông khẳng định.

Bà Đông cho biết đang làm văn bản trình UBND, Sở Nội vụ, Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên thành lập Hội bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, sáp nhập một số chi hội để đưa các thanh đồng vào quy củ, hiểu đúng, đủ về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

“Mong cơ quan quản lý sẽ phối hợp với chúng tôi để giảng dạy cho các thanh đồng chuẩn mực của giá hầu. Một mô hình chuẩn nề nếp như ông Hoàng Minh Quân ‘thai nghén’ trong giai đoạn này rất cần thiết”, bà Đông nói.