Nằm dưới chân dãy Trường Sơn, Quảng Trị có 7 huyện ưu tiên thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 gồm: Huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Huyện đảo Cồn Cỏ, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong.

Quảng Trị hiện có khoảng 230 loài cây dược liệu, trong đó 40 loài đã được nghiên cứu ứng dụng, sản xuất và khai thác trong tự nhiên để chế biến, tiêu thụ như cây ba kích tím, quế, lan kim tuyến, cà gai leo, an xoa và đặc biệt, cây chè vằng.

Chè vằng Quảng Trị gắn liền với tên linh địa “La Vang”. Từ xa xưa, La Vang là nơi rừng núi hẻo lánh có nhiều cây “lá vằng”, một loại cây đã được người dân tỉnh Quảng Trị sử dụng làm thuốc từ rất lâu.

Với đặc điểm của vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, cây chè vằng Quảng Trị được đánh giá và minh chứng là loại dược liệu tốt qua các kiểm nghiệm lâm sàng mà tự nhiên đã ban tặng. Chè vằng vừa có công dụng bảo vệ sức khỏe như giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.  

Là một trong những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, tỉnh Quảng Trị đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho chè vằng.

Chè vằng Quảng Trị được sản xuất thành 3 sản phẩm, gồm: chè vằng khô, cao chè vằng và chè vằng hòa tan. Chè vằng khô có mùi thơm, hơi hắc, khi pha nước có màu vàng nhạt. Cao chè vằng có màu đen, khi pha nước sẽ có màu nâu, có mùi thơm, hơi hắc, vị đắng, ngọt hậu. Chè vằng hòa tan có mùi thơm, hơi hắc, vị đắng, ngọt hậu, khi pha nước có màu cánh gián.

Để sản xuất các sản phẩm chè vằng Quảng Trị, người dân chỉ sử dụng lá và cành của cây chè vằng được nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Trong quá trình thu hoạch, người dân chỉ thu hái lá bánh tẻ và lá già, không thu lá non. Thời điểm thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 để tránh mùa mưa.  

Quy trình sản xuất chè vằng Quảng Trị, trước hết lá chè sẽ được rửa sạch, băm nhỏ. Sau đó, đối với chè vằng khô, nguyên liệu sẽ được phơi khô đến khi độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 12%. Đối với chè vằng hòa tan, nguyên liệu sẽ được đưa vào hệ thống vi sóng chân không để chiết suất, cô đặc tuần hoàn chân không, sấy khô. Đối với cao chè vằng, nguyên liệu sẽ được nấu với nước sạch theo tỷ lệ 11 khoảng 2 lít nước/1 kg nguyên liệu, loại bỏ bã và cô đặc dung dịch ở nhiệt độ 80100 độ C, sau đó đổ khuôn hoặc cắt miếng.  

Với những đặc trên trên, tháng 01/2023,  Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè vằng “Quảng Trị”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Khu vực địa lý sản xuất sản phẩm chè vằng Quảng Trị tại các xã, phường, thị trấn gồm: các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn và thị trấn Bến Quan thuộc huyện Vĩnh Linh; các xã Gio An, Linh Trường, Hải Thái, Linh Hải, Gio Sơn, Phong Bình, Trung Sơn và Gio Châu thuộc huyện Gio Linh; các xã Hải Phú, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh và Hải Trường thuộc huyện Hải Lăng; các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành và Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ; Phường 3 thuộc TP. Đông Hà. Quảng Trị đã đưa chè vằng vào bộ cây trồng chủ lực của tỉnh để phát triển theo hướng sản xuất trên quy mô lớn gắn với chế biến sâu.

Đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 60 ha chè vằng; trong đó, có hơn 50 ha trồng, diện tích còn lại là chè vằng tự nhiên, cho tổng sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Tại Quảng Trị, chè vằng được trồng tập trung ở huyện Cam Lộ và một số địa phương khác như thành phố Đông Hà, huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Hải Lăng.  Chè vằng được trồng với mật độ khoảng khoảng gần 30.000 cây/ha. Ngay trong năm đầu tiên trồng, chè vằng cho sản lượng khoảng 10 tấn/ha, đến năm thứ 2, chè vằng cho thu hoạch 2 lần/năm, với sản lượng trên 10 tấn/lần thu hoạch.

Nhóm PV