Ngày 16/9, do sóng biển to nên có hàng tấn sò tím bị sóng biển đánh, dạt vào dọc bờ biển hơn 1km đoạn qua thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng. Hàng chục người dân mang theo rổ, vợt, lưới, bì tải... ra biển nhặt sò về, làm thành phẩm rồi bán lại cho thương lái.

Người dân xung quanh khu vực biển Cẩm Nhượng đứng thành hàng nhặt sò tím.

Theo người dân, trung bình từ sáng đến trưa, mỗi người có thể nhặt được từ 30kg - 45kg sò. Do sò dạt vào quá nhiều, người dân xem đây là lộc trời nên đã huy động nhiều thành viên trong gia đình đổ xô ra biển.

Mỗi buổi, trung bình mỗi người có thể nhặt được từ 30-45kg sò.

Bà Nguyễn Thị Hải (40 tuổi, trú xã Cẩm Nhượng) cho biết, 2 hôm nay vùng biển Cẩm Nhượng có sóng lớn, trời mưa nên xuất hiện sò tím dạt bờ.

"Thấy sò dạt vào bờ chất đống, tôi cùng các thành viên trong gia đình mang theo bì tải, rổ nhựa ra biển để vớt và chọn lọc. Con nào chết thì bỏ, con sò sống thì chúng tôi đưa về, tách ruột bán lại cho thương lái. Gia đình tôi có 4 người đi nhặt, trong ngày hôm nay chúng tôi đã bán được 1,5 triệu đồng".

Người dân nhặt sò vẫn đang sống, mang về bán lại cho thương lái. Mỗi kilogam bán ra dao động từ 20-25.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch xã Cẩm Nhượng cho biết, sò tím dạt bờ là hiện tượng hiếm gặp tại địa phương. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây có 2 lần sò tím dạt vào bờ biển. Sò dạt ước tính hàng tấn, trung bình mỗi người vớt được khoảng 40kg.

Trẻ con cũng tham gia vớt sò cùng gia đình. Ngoài nhập cho thương lái ngay tại bờ biển, nhiều người đưa về cất làm thực phẩm hoặc sơ chế, lấy ruột đem ra các chợ trên địa bàn bán lẻ. Loại hải sản này có thể hấp, nấu cháo, xào sả, nướng mỡ hành...

"Trước đây, mỗi đợt biển động hoặc sau bão thường chỉ ghi nhận sò lông dạt bờ, sò tím là lần đầu. Sò tím ngoài sống trong tự nhiên thì một số người dân trong huyện cũng nuôi", ông Hùng nói.