Nhiều người hút thuốc lá có da mặt nhiều mụn, đen sạm vì thường xuyên tiếp xúc khói thuốc. "Người hút thuốc lá thường xuyên thường bị thâm da, vàng da vùng xung quanh môi, vàng đầu ngón tay, sạm móng. Đó là tác động lập tức có thể nhìn thấy do khói thuốc lá tiếp xúc trực tiếp vùng da đó trong thời gian dài", bác sĩ Trịnh Minh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ.

Người hút thuốc lá cũng có vẻ ngoài già nua hơn so với người cùng độ tuổi nhưng không hút thuốc, da có nhiều nếp nhăn, độ săn chắc kém, dễ chảy sệ... Đặc biệt, ngực và cánh tay trên thường bị ảnh hưởng do mất độ đàn hồi của da vì hút thuốc.

 Đối với những người hút thuốc, dấu hiệu vết chân chim thường bắt đầu sớm hơn nhiều so với những người khác. Ảnh: Minh An

Bác sĩ Trang phân tích làn da tiếp xúc khói thuốc lá sẽ gây ra các phản ứng oxy hóa tạo ra các gốc tự do, làm cho vùng da mặt người giảm nuôi dưỡng, tức là sự tưới máu đến da mặt giảm đi do tác động co mạch của khói thuốc. Các phản ứng độc tố trong khói thuốc cũng tạo ra các chất gây phá hủy các sợi collagen và sợi chun elastin - hai loại sợi có vai trò quan trọng trong hình thành độ săn chắc, đàn hồi của làn da. Khi 2 loại sợi này bị phá hủy sẽ khiến da mất độ săn chắc, lão hóa dần. 

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc mím môi để hút thuốc từ lần này sang lần khác sẽ tạo ra những nếp nhăn dọc quanh miệng, thường gọi là "đường kẻ khói". Đối với những người hút thuốc, dấu hiệu vết chân chim thường bắt đầu sớm hơn nhiều so với những người khác.

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến các bệnh lý da liễu

Đặc biệt, khả năng bị ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) ở người hút thuốc lá có thể cao hơn tới 52% so với người không hút thuốc. SCC là dạng ung thư da phổ biến thứ hai và thường xuất hiện trên môi của những người hút thuốc.

Theo bác sĩ Trang, một số bệnh lý da liễu như vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống... có thể bùng phát nặng nề hơn với người hút thuốc lá. 

Co thắt mạch máu do độc tố trong khói thuốc lá có tác động tiêu cực đến việc chữa lành vết thương. Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, hầu hết bác sĩ sẽ khuyến cáo hoặc thậm chí yêu cầu bệnh nhân dừng hút thuốc trước khi tiến hành phẫu thuật vì tác động của độc tố thuốc lá đối với việc chữa bệnh.

Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, suy ghép da, chết mô và hình thành cục máu đông. Sẹo cũng có xu hướng tăng hơn, có bằng chứng cho thấy hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị rạn da.

Khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất khác nhau. Trong đó, ít nhất 250 loại hóa chất độc hại, bao gồm: hydrogen cyanide, carbon monoxide, và ammonia. Trong số này, ít nhất 69 loại có thể gây ung thư.

Theo các bác sĩ da liễu, nhiều năm cầm thuốc lá giữa các ngón tay lặp đi lặp lại có thể dẫn đến vàng da do nicotine và các chất độc khác trong thuốc lá thường được gọi là nhựa đường. Loại nhuộm này gần như không thể loại bỏ bằng xà phòng và nước. Cách duy nhất để thực sự thoát khỏi nó là tránh cầm thuốc lá (ngừng hút thuốc).

Những cải thiện nào cho làn da khi bạn ngừng hút thuốc?

Mặc dù các nếp nhăn đã phát triển có thể không biến mất hoàn toàn, sự trở lại của lưu lượng máu bình thường đến các tế bào da sẽ mang lại oxy và chất dinh dưỡng cần thiết và làn da sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại. Do không còn bị cản trở bởi chất độc trong thuốc lá, các sợi collagen và elastin cũng sẽ được hỗ trợ tái sản xuất, giúp da khỏe mạnh hơn.

Ngoài việc các vết tăng sắc tố ở da cũng sẽ biến mất theo thời gian, sau khi ngừng hút thuốc, nguy cơ về tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến làn da cũng sẽ giảm đi. 

Minh An