Hơn 20 năm trước, chị Đồng Thị Dung kết hôn với người đàn ông Đài Loan (Trung Quốc) và về quê chồng sinh sống. Rời xa Tổ quốc, chị mang trong mình nỗi nhớ gia đình, người thân và sự lo lắng khi chưa thông thạo tiếng bản địa.

Với tình yêu thương của chồng, chị từng bước làm quen với cuộc sống mới, hòa nhập với gia đình nhà chồng và coi đây là quê hương thứ 2. Để cải thiện ngôn ngữ, chị đăng ký các khóa học ngôn ngữ tại các trường, trung tâm, tham gia các hoạt động cộng đồng, qua đó có cơ hội giao tiếp và học hỏi tốt hơn.

chi-dung-1.jpg
Cô giáo Đồng Thị Dung.

Khi con vào tiểu học, chị cũng đăng ký học cùng con. Bằng tinh thần cầu tiến, nghị lực mạnh mẽ, chị cùng con học đến cấp III. Sau đó, chị đăng ký học ngành quản trị kinh doanh và học tiếp lên thạc sĩ ngành giáo dục học. 

“Tôi nghĩ học chưa bao giờ là đủ, khi mình có sự nghiệp vững vàng, mình sẽ lo được cho con tốt hơn và quan trọng là giúp đỡ được nhiều người Việt Nam ở bên này hơn”, chị nói.

Sau thời gian dài, thông thạo cả tiếng Quan thoại và tiếng địa phương, chị Dung nhận được sự tín nhiệm cao ở nước sở tại và được trao giữ nhiều vị trí: Cố vấn chuyên môn ngôn ngữ Đông Nam Á tại Sở Giáo dục Đài Nam; Ủy viên Trung tâm gia đình thành phố Đài Nam; giảng viên ngôn ngữ, văn hóa Việt tại Cơ quan giáo dục của Đài Loan.

Hiện nay, chị là gương mặt tiêu biểu của di dân tại vùng lãnh thổ này, trở phiên dịch viên cho di dân mới tại Sở Di dân trụ sở Đài Nam, đồng thời là thiết kế viên, lập trình viên của Trung tâm Học tập dành cho di dân mới tại thành phố Đài Nam.

Dù đạt được nhiều thành công nhưng chị Dung chưa bao giờ quên khát vọng truyền tải ngôn ngữ Việt đến cộng đồng, bao gồm cả con em gốc Việt, các cháu là con lai Việt – Đài. Hiện chị phụ trách giảng dạy tiếng Việt tại một số trường đại học cộng đồng, các cấp tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm người cao tuổi ở thành phố Đài Nam.

Chị còn là một trong những cán bộ hướng dẫn, thiết kế các chương trình, kế hoạch phục vụ cho việc giảng dạy của các thầy cô dạy tiếng Việt tại Đài Nam nói riêng và vùng lãnh thổ Đài Loan nói chung.

Chính quyền sở tại cũng quan tâm đến việc dạy và học tiếng mẹ đẻ cho con em thế hệ thứ hai của di dân mới, đồng thời khuyến khích cộng đồng học các ngôn ngữ Đông Nam Á.

Chị Dung khẳng định, được trở thành cô giáo ở Đài Loan là niềm vinh dự song cũng không ít khó khăn. Mỗi một ngôn ngữ đều có nét văn hóa đặc trưng trong đó. Thông qua mỗi buổi học, chị luôn truyền tải cho người dân bản địa, con em gốc Việt hiểu hơn về văn hóa, phong tục người Việt Nam, giúp họ yêu văn hóa Việt Nam.

Để mỗi bài giảng lôi cuốn, hấp dẫn cho học sinh, chị thường tìm các phương pháp trực quan sinh động, thông qua hoạt động thường ngày để các em nhớ lâu, từ chải tóc, gấp quần áo, nấu ăn…

Về mặt tài liệu dạy và học tiếng Việt, chị cho rằng, tại các hiệu sách Đài Loan có rất nhiều sách dạy tiếng Việt. Tuy nhiên, những cuốn sách này đa phần do các thầy cô giáo người Việt tự biên soạn, chưa được phân loại phù hợp với lứa tuổi, trình độ và với từng khóa học. Vì vậy, các tài liệu giảng dạy cần được thống nhất cho tất cả các cơ sở. Sách biên soạn cần được chú thích cách dùng từ của hai miền và có sách dành riêng cho giáo viên.

Song song với việc dạy tại trường, trung tâm, chị Dung đã mở thêm hai Trung tâm trưng bày, quảng bá văn hóa Việt Nam tại Trung tâm Học tập dành cho di dân mới tại thành phố Đài Nam. Tại đây, có lớp dạy thiện nguyện để giúp các em hòa nhịp văn hóa và hiểu được ý nghĩa của việc học tiếng Việt.

Nữ thạc sĩ còn đảm nhiệm chức Hội trưởng Hiệp hội Mục Đức thành phố Đài Nam (nhằm chăm sóc người già neo đơn) và Bí thư Hiệp hội Gia đình di dân mới thành phố Đài Nam (nhằm hỗ trợ gia đình di dân mới).

Với những công việc thiện nguyện này, chị luôn cổ vũ, hỗ trợ, động viên bà con người Việt, cũng như kêu gọi sự đoàn kết tương thân tương ái, sự cống hiến trên mọi phương diện tại đây và ở quê nhà.

Chị chia sẻ, bản thân luôn tìm cơ hội để giúp đỡ cư dân mới, cũng như hỗ trợ họ bằng mọi cách, đặc biệt là thế hệ kiều bào trẻ. Để làm được nhiều và tốt hơn nữa, chị mong nhận được sự giúp đỡ, động viên, khích lệ để bản thân có thêm động lực thực hiện các công việc phục vụ cho cộng đồng.

Đặc biệt, chị Đồng Thị Dung hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều điều kiện và cơ hội là cầu nối, góp phần làm cho các bạn bốn phương biết đến và yêu mến Việt Nam nhiều hơn. Chưa dừng lại ở đó, chị đã ấp ủ rất nhiều dự định và kế hoạch trong công tác bảo tồn, tôn vinh tiếng mẹ Việt. Không chỉ dạy trực tiếp, chị muốn mở những lớp học online. Khi đó, những gia đình kiều bào ở xa hoặc không tiện đưa đón con em, vẫn có thể cho các cháu tham gia.

Về tổ ấm nhỏ của mình, chị Dung cũng chú trọng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho các con. Điều đó diễn ra hàng ngày, trong bữa cơm, giờ chơi, giờ học. Chị nấu cơm Việt Nam, nói tiếng Việt. Ngày lễ Tết, bạn bè con cái là người bản địa hay bạn bè chị đến nhà, chị cũng nấu các món quê hương. Nhờ đó, các con chị rất thành thạo tiếng Việt.

Năm 2023, chị vui mừng khi vinh dự là một trong 123 kiều bào tiêu biểu được mời về nước tham dự Chương trình Xuân Quê hương. Chị tích cực tham gia Cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.

Quỳnh Nga