Trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Bộ ngoại giao CHLB Đức Annalena Baerbock nhân dịp hội nghị COP28 sắp diễn ra tại Dubai:

Các thị trưởng ở Tây Ban Nha, Đức và Litva phải đồng thời tìm cách bảo vệ thành phố của mình khỏi tình trạng thiếu nước và các đợt triều cường do bão ngày càng trở nên nguy hiểm.

Bất kể nhìn vào quốc gia nào trên thế giới, chúng ta cũng đều thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khắp mọi nơi: khủng hoảng khí hậu.

khi hau.jpg
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11 - 12/12

Cuộc khủng hoảng này là thách thức an ninh lớn nhất của thời đại chúng ta. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người – với mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng cùng chung hệ lụy.

Điều mang lại cho tôi hi vọng là chúng ta có kiến ​​thức, công nghệ và công cụ để cùng nhau kiềm chế cuộc khủng hoảng khí hậu này. Điều chúng ta cần là ý chí chính trị.

Năm 2015, với Thỏa thuận Paris, cộng đồng toàn cầu đã thể hiện ý chí này và đặt nền móng cho một thế giới mới, trung hòa về khí hậu. Sau đó, gần 170 quốc gia đã đặt ra cho mình những mục tiêu khí hậu đầy tham vọng hơn. Việc mở rộng năng lượng tái tạo đã tăng tốc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khi cùng nhau tham dự Hội nghị khí hậu toàn cầu ở Dubai trong vài ngày tới, chúng ta sẽ đều biết rằng:

Chúng ta đang chạy đua với thời gian – và cho đến nay chúng ta đang quá chậm.

Hội nghị khí hậu sắp tới là một cơ hội lớn mà chúng ta nên tận dụng cùng với các liên minh tiên phong để đạt được tốc độ nhanh hơn. Bởi tại Dubai, lần đầu tiên, chúng ta sẽ thực hiện “Kiểm kê toàn cầu” đã được thỏa thuận ở Paris, trong đó chúng ta sẽ xem xét tiến trình đạt được các mục tiêu của Paris và xác định các điểm cần điều chỉnh.

Theo quan điểm của Đức, có ba điều then chốt trong vấn đề này.

Thứ nhất: Chúng ta nên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu một cách mạnh mẽ từ nay đến năm 2030. Bởi mỗi tấn CO2 mà một quốc gia thải ra đều gây hại cho tất cả chúng ta. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, chúng ta phải cùng nhau giảm lượng khí thải toàn cầu ít nhất là 43% trong thập kỷ này. Mỗi phần trăm lượng khí nhà kính giảm đi có nghĩa là sẽ ít hạn hán hơn, ít lũ lụt hơn, ít thiệt hại về người hơn.

Tại EU, với Thỏa thuận Xanh, chúng tôi đã đặt mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Tại Đức, chúng tôi đã cam kết về mặt pháp lý về việc đạt trung hòa khí hậu vào năm 2045.

Nhưng quá trình chuyển đổi năng lượng là một nhiệm vụ toàn cầu.

Đó là lý do vì sao chúng tôi đang nỗ lực để Hội nghị thống nhất được mục tiêu tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và từ bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Qua đó, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng chủ yếu không sử dụng năng lượng hóa thạch đã bắt đầu.

Thứ hai: Phương thuốc tốt nhất của chúng ta để chống lại khủng hoảng khí hậu chính là sự đoàn kết. Đó là lý do vì sao chúng tôi sát cánh với những người ít gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu nhất nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đức đã tăng nguồn tài trợ khí hậu hằng năm lên hơn 6 tỷ Euro từ ngân sách của mình sớm hơn ba năm so với công bố. Qua đó, chúng tôi góp phần thực hiện cam kết của các nước công nghiệp về việc cung cấp 100 tỷ Euro để chống biến đổi khí hậu - và chúng tôi tin tưởng rằng cam kết này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay.

Chúng tôi biết rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra những tác động không thể đảo ngược. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy việc thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ đặc biệt cho các nước đang phát triển. Chậm nhất đến năm 2025, đóng góp của tất cả các bên tài trợ cho hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tăng gấp đôi lên 40 tỷ USD. Đức sẽ đóng góp phần của mình để đạt được mục tiêu này.

Tại hội nghị trước, chúng ta đã thỏa thuận thành lập Quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại và tiếp tục đưa ra các thỏa thuận cụ thể tại cuộc họp gần đây ở Abu Dhabi. Giờ là lúc thông qua các thỏa thuận này tại COP28 và đóng góp vào quỹ. Điều quan trọng trước hết là quỹ mang lại lợi ích cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và tất cả các quốc gia có khả năng đều đóng góp vào quỹ. Trong đó chắc chắn có các nước công nghiệp. Nhưng cũng cần kể đến các quốc gia thu được nhiều tiền từ năng lượng hóa thạch hoặc có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ đóng góp.

Chính vì vậy, điều thứ ba là chúng tôi muốn đầu tư vào các mối quan hệ đối tác của mình tại COP. Chúng tôi biết rằng điều kiện để chuyển đổi năng lượng thành công và bảo vệ khí hậu là khác nhau ở mỗi quốc gia. Và quá trình chuyển đổi xanh chỉ đạt được tác động lớn khi được kiến thiết một cách công bằng về mặt xã hội. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các đối tác của mình trong vấn đề này.

Chúng ta cần huy động mọi nguồn lực, bởi mỗi khoản đầu tư vào các tấm pin mặt trời, vào hydro xanh hay công nghệ cách nhiệt đều là cơ hội cho sự tăng trưởng, cho các việc làm mới và cho việc đảm bảo nguồn cung năng lượng. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang mở rộng các mối quan hệ đối tác về khí hậu, năng lượng và phát triển mà trong đó đôi bên cùng học hỏi lẫn nhau và cùng hưởng lợi.

Bởi không nên để bất cứ quốc gia nào buộc phải lựa chọn giữa phát triển và bảo vệ khí hậu. Mỗi xã hội đều có lối đi riêng của mình.

Điều quan trọng là tất cả chúng ta có cùng một mục tiêu: Một tương lai trung hòa khí hậu và tự cường mà con cháu chúng ta có thể sống trong an toàn và thịnh vượng. Trong những ngày này tại Dubai, chúng ta sẽ có cơ hội để cùng nhau theo đuổi mục tiêu đó.

Hãy cùng nhau nắm bắt cơ hội này.