Bên cạnh hệ thống trường công lập học bằng tiếng Khmer, tại Campuchia có những ngôi trường hữu nghị và những lớp học dạy song ngữ tiếng Khmer và tiếng Việt. Các thầy cô giáo là kiều bào Việt Nam luôn mang trong mình trái tim nhiệt huyết với nỗi niềm đau đáu: “Giữ hồn quê hương trong tiếng Việt thân thương”. 

Cô giáo Lê Thị Thùy Linh sinh sống tại tỉnh Siem Reap đã gắn bó với công việc dạy tiếng Việt ở Campuchia được hơn 8 năm. Cô khẳng định, bản thân đã có quãng thanh xuân thực sự ý nghĩa và tươi đẹp khi được cống hiến cho công tác bảo tồn, tôn vinh tiếng mẹ đẻ. 

co-linh-1.jpg
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh cùng học trò trong tiết học về Tết Trung thu.

Gia đình cô Linh có truyền thống sư phạm nên cô đã chọn thi vào Đại học Sư phạm An Giang. Tuy nhiên, khi đang học năm nhất, cô theo gia đình sang Campuchia sinh sống. Lúc này, cô tạm gác lại giấc mơ giảng đường, giấc mơ đứng trên bục giảng để làm các công việc khác. 

Năm 2015, Hội Khmer - Việt Nam chi nhánh tỉnh Siem Reap tìm kiếm giáo viên dạy tiếng Việt. Cô Linh đã nộp hồ sơ ứng tuyển và bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Trường Tiểu học Hữu Nghị Khmer- Việt Nam chi nhánh tỉnh Siem Reap.

Trở lại với nghề mình yêu thích, cô Linh đầy háo hức. Những bài giảng dựa trên nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và thực tế lớp học được cô miệt mài nghiên cứu, tìm giải pháp dạy cho hiệu quả.

Trung bình 1 lớp của cô Linh có khoảng 40 học sinh. Dụng cụ giảng dạy, cơ sở vật chất thiếu, đôi khi cô tự tái chế đồ cũ để biến thành giáo cụ dạy học cho sinh động, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, do cộng đồng người Việt sống ở Campuchia luôn gặp khó khăn về pháp lý nên việc học của trẻ em gốc Việt nơi đây còn nhiều hạn chế. Nhiều em đến 14 - 15 tuổi chỉ ở nhà phụ giúp gia đình, không biết viết tên họ của mình, sau một thời gian các thầy cô đến động viên mới tự tin tới trường. Vì vậy, trong một lớp có nhiều độ tuổi khác nhau. Cô Linh cũng linh hoạt theo đó để đưa ra phương pháp thích hợp, phù hợp tâm lý và khả năng tiếp thu kiến thức của từng em. 

Với học sinh từ 5 - 6 tuổi, cô Thuỳ Linh sẽ cho các em tập rèn chữ cái, dấu (thanh), dấu chấm câu, các chữ số, vẽ, thủ công. Khi các em đã viết thành thạo, cô sẽ cho các em học theo sách giáo khoa lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Cùng với việc dạy chữ, ngôn ngữ và văn hóa Việt, cô giáo trẻ giúp các học sinh tiếp cận lịch sử, phong tục tập quán Việt thông qua các hoạt động ngoại khóa, trò chơi và cuộc thi. Mỗi cuộc thi đố vui luôn kích thích sự học hỏi, tìm hiểu của các em. 

Mỗi câu cảm ơn, lời hỏi han của các em, đặc biệt là sự trưởng thành từng ngày, tình yêu Việt Nam trong các em được nhân lên từng ngày… là sự động viên, khích lệ lớn nhất đối với cô. 

“Tôi dạy các em tiếng Việt để không quên cội nguồn và hiểu biết thêm kiến thức. Các em có tri thức sẽ thay đổi được cuộc sống khó khăn; đồng thời quảng bá, giới thiệu đến người dân bản địa những điều tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”, cô nói. 

Cô Lê Thị Thuỳ Linh mong muốn, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ có chương trình hỗ trợ tổ chức những chuyến tìm về cội nguồn cho các em học sinh Campuchia. 

Trong quá trình dạy học tiếng Việt ở Campuchia, cô cũng đã được tham gia 2 khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức. Sau mỗi khóa tập huấn ngắn hạn, cô được tiếp xúc và tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho kiều bào trẻ.

“Với các em nhỏ ở Việt Nam, học tiếng Việt có môi trường, có sự giao tiếp nên sẽ dễ dàng hơn nhưng với các em nhỏ gốc Việt sống bên Campuchia, việc học tiếng Việt có phần khó khăn, do ít môi trường, phần lớn bố mẹ các em chưa quan tâm đến việc học hành của con em mình. Tôi và các thầy cô phải thường xuyên đổi mới cách dạy, tạo sự gần gũi và thực sự coi các em như người trong gia đình. Khi đó, việc dạy mới hiệu quả. 

Quả ngọt với những giáo viên như tôi là khi các em viết được tên Việt Nam của mình, biết hát bài của dân tộc Việt Nam, biết trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt và từng bước thay đổi, biết vươn lên, phấn đấu học tập để vượt qua cái nghèo và khẳng định bản thân”, cô Thuỳ Linh tâm sự. 

Quỳnh Nga