Diễn tập chiến đấu là hình thức huấn luyện cao nhất, nhằm đánh giá toàn diện năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng,… cũng như trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, đơn vị. Nhận thức rõ điều đó, Quân chủng đã, đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở từng cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiệm vụ diễn tập chiến đấu ở tất cả các cấp và coi đây là một trong những khâu đột phá, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng và lực lượng Phòng không - Không quân toàn quân.

Hằng năm, 100% các cuộc diễn tập do Quân chủng và các đơn vị trực thuộc tổ chức đều đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, song Quân chủng đã chủ động xây dựng kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung những nội dung về diễn tập đối kháng, nghi binh, cơ động lực lượng; phối hợp với các quân chủng, binh chủng, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức thành công 05 cuộc diễn tập, hội thao đạt chất lượng tốt, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao1. Thông qua các cuộc diễn tập, Quân chủng đánh giá sát đúng trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội cũng như chất lượng vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật của các đơn vị, làm cơ sở để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch huấn luyện, tác chiến và tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của lực lượng Phòng không - Không quân thời kỳ mới.

Bên cạnh các kết quả đạt được, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức diễn tập có mặt còn bất cập; việc phối hợp giữa các lực lượng trong Quân chủng và giữa Quân chủng với các quân chủng, binh chủng khác, cũng như với lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền địa phương trong khu vực phòng thủ còn đơn giản, chưa sát với thực tiễn chiến trường; khả năng xử trí tình huống trong diễn tập, nhất là giai đoạn thực hành chiến đấu của bộ đội khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao còn hạn chế.

{keywords}
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra diễn tập, bắn đạn thật năm 2021

 Thời gian tới, trước tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên bộ, trên không, trên biển diễn ra ngày càng gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, vũ khí, trang bị, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Đối với nước ta, tuy tình hình mọi mặt cơ bản ổn định, song những nguy cơ mà Đảng ta xác định vẫn tồn tại; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phi chính trị hóa Quân đội. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới với yêu cầu cao hơn, nặng nề hơn. Tình hình đó đòi hỏi toàn quân nói chung, Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng cần nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; trong đó, nâng cao chất lượng diễn tập chiến đấu là khâu đột phá quan trọng; với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, đối tượng tác chiến, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình diễn tập sát thực tế chiến đấu. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, mang tính quyết định đến chất lượng của cuộc diễn tập; bởi, chỉ khi nghiên cứu, đánh giá, xác định đúng đối tượng tác chiến, chúng ta mới có đối sách, cách đánh phù hợp, hiệu quả. Với nhận thức đó, Quân chủng tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu tác chiến nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình các mặt, xác định rõ đối tượng tác chiến để xây dựng ý định, tưởng định, bài tập, tình huống diễn tập sát với thực tiễn chiến trường, tổ chức biên chế và yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, đối tượng tác chiến thường có ưu thế về vũ khí công nghệ cao, khả năng tác chiến liên hợp, phi trực tiếp, phi đối xứng,… và không chỉ một đối tượng mà là đa dạng đối tượng cùng tham gia. Vì vậy, việc xác định một hay nhiều đối tượng tác chiến, có đối tượng chủ yếu ban đầu và các đối tượng tiếp theo là vấn đề rất quan trọng trong xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình huấn luyện, chuẩn bị vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất cho từng cuộc diễn tập, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng.

Cùng với nghiên cứu, đánh giá, xác định đúng đối tượng tác chiến, Quân chủng tập trung nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, chỉ đạo diễn tập của Ban chỉ đạo, cơ quan Ban chỉ đạo, cán bộ đạo diễn và chỉ huy các cấp cả trong công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập. Tăng cường tổ chức các cuộc diễn tập đối kháng trên bản đồ và thực binh ở các cấp, diễn tập hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Phòng không với lực lượng Không quân, giữa lực lượng Phòng không - Không quân với Lục quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền địa phương trong khu vực phòng thủ. Trong đó, chú trọng diễn tập phối hợp tác chiến giữa Quân chủng với cấp ủy, chính quyền cùng lực lượng vũ trang địa phương và các lực lượng trên từng địa bàn chiến lược. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, diễn tập; tăng cường huấn luyện bổ sung các nội dung phục vụ diễn tập, nhất là huấn luyện đêm, huấn luyện ngụy trang, nghi trang, nghi binh, cơ động; phòng tránh, đánh trả các cuộc tập kích đường không, đường biển, khu vực trọng điểm của địch theo các phương án. Đồng thời, xây dựng các kịch bản diễn tập ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, v.v.

Hai là, thực hiện tốt công tác bảo đảm về mọi mặt cho diễn tập. Để các cuộc diễn tập đạt kết quả cao, cùng với xây dựng phương án, kế hoạch, nội dung, chương trình, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm về mọi mặt. Trước hết, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Ban chỉ đạo, cơ quan Ban chỉ đạo, cán bộ đạo diễn các đơn vị để tiến hành xây dựng hệ thống văn kiện diễn tập, chuẩn bị công sự, trận địa, tổ chức ngụy trang, nghi binh, bồi dưỡng các thành phần tham gia diễn tập. Đồng thời, phối hợp với các quân chủng, binh chủng, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu các phương án xử trí tình huống trong diễn tập, bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật, thiết bị thao trường,… gắn với bảo đảm về con người - nhân tố quyết định chất lượng diễn tập. Đối với công tác hậu cần, ngoài bảo đảm theo quy định cần ưu tiên những đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng chủ yếu, quan trọng, khó khăn, đột xuất,… đòi hỏi cường độ hoạt động lớn. Công tác kỹ thuật phục vụ diễn tập cần kết hợp chặt chẽ giữa bảo quản, bảo dưỡng, quản lý với làm chủ, khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, bảo đảm luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất và yêu cầu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong diễn tập.

Ba là, tổ chức tốt công tác phối hợp, hiệp đồng tác chiến trong diễn tập. Với vai trò là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ vùng trời, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm quốc gia, bảo vệ nhân dân, đồng thời tham gia bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc nên phạm vi nhiệm vụ của Quân chủng rộng, liên quan tới nhiều lực lượng, địa bàn, v.v. Do đó, để hoàn thành tốt các cuộc diễn tập chiến đấu của Quân chủng cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Phòng không với lực lượng Không quân, giữa Quân chủng Phòng không - Không quân với các quân chủng, binh chủng, lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân và các lực lượng liên quan trên địa bàn chiến lược, giữa lực lượng Phòng không ba thứ quân với lực lượng Không quân toàn quân một cách cân đối trên cơ sở lấy Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt. Quá trình thực hiện cần chú trọng đến các lực lượng, như: thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, tác chiến điện tử và quản lý vùng trời ngay từ giai đoạn làm công tác chuẩn bị đến thực hành diễn tập. Trên cơ sở tổ chức lực lượng và vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật hiện có, các cơ quan, đơn vị cần chủ động nghiên cứu phương pháp, hình thức tổ chức diễn tập trong điều kiện tác chiến độc lập, hiệp đồng quân binh chủng trên đất liền, trên biển, đảo, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội tốt để Bộ đội Phòng không - Không quân tích lũy kinh nghiệm về công tác tổ chức hiệp đồng tác chiến với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương trong từng khu vực tác chiến, hướng chiến lược và địa bàn cả nước.

Bốn là, duy trì nền nếp, hiệu quả công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc diễn tập. Khác với huấn luyện và luyện tập thông thường, diễn tập chiến đấu được tiến hành như một trận chiến đấu thực sự, có mở đầu, diễn biến và kết thúc, theo một dòng chảy liên tục, nên cần được tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chặt chẽ, nghiêm túc sau mỗi lần kết thúc diễn tập. Quá trình thực hiện cần tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu, yêu cầu đề ra; đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trên từng mặt công tác, ở tất cả các khâu, các bước trong từng giai đoạn và toàn bộ cuộc diễn tập, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập; rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất phương hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, giai đoạn huấn luyện, diễn tập thời gian tiếp theo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên là cơ sở quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Phòng không - Không quân, góp phần xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN HIỀN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng

_____________________

1 - Diễn tập “MT-21” cho các đơn vị miền Trung, “MB-21” cho các đơn vị miền Bắc, Diễn tập bắn đạn thật phòng không, Diễn tập chiến thuật, Hội thi bắn đạn thật lực lượng Phòng không lục quân, phòng không kiêm nhiệm Bộ đội Biên phòng khu vực phía Bắc, Hội thao dẫn đường, bắn, ném bom, đạn thật và ban bay mẫu của lực lượng không quân.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân