Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn” là hoạt động được sự bảo trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Dự hội thảo có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam; ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND một số địa phương tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện nay, tại tỉnh Gia Lai, số liệu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước cũng như khu vực.

anh man hinh 2023 11 30 luc 153436.png
Việc tiếp cận với nước sạch đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em. 

Số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho thấy, năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn của tỉnh sử dụng nước sạch là 47,2% (theo Quy chuẩn chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02: 2009/BYT). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn không có nhà vệ sinh là 29,35%; trong đó một số huyện trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ thấp như: huyện Krông Pa (31,51%); huyện Kông Chro (39,13%). Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao, nhiều hộ gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Tại hội thảo, bà Lesley Miller trao đổi về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh đối với sự phát triển kinh tế, sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội; sự cần thiết của việc đầu tư nước sạch và vệ sinh với phụ nữ và trẻ em. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với chuyên gia của UNICEF mong muốn hội thảo tìm ra giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Hội thảo đã thông qua Đề án “Xây dựng gia đình 3 sạch, thực hiện chỉ tiêu 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới" giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Đề án được triển khai thực hiện tại 5 xã có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp và phấn đấu đạt nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: xã Yang Nam, huyện Kông Chro; xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện; xã Chư Drăng, huyện Krông Pa; xã Ayun, huyện Chư Sê; xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. 

Mục tiêu của Đề án là tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn quy định; biết cách sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh, dụng cụ chứa nước an toàn, hợp vệ sinh.

Các đại biểu tại hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Giải pháp phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong thúc đẩy tiếp cận nước và vệ sinh cho phụ nữ nông thôn, góp phần đạt tiêu chí nước sạch, vệ sinh trong Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể là tiêu chí 17.8; Cách thức, các bước thực hiện để đảm bảo tính khả thi Đề án; Công tác phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các cấp để triển khai Đề án hiệu quả...

Đại diện UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai công tác nước sạch và vệ sinh nông thôn. Giai đoạn 2021 ­- 2025, chỉ tiêu này đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện, xây dựng Đề án phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

Khánh Vy