Cách đây đúng 68 năm, tại Điện Biên Phủ diễn ra trận quyết chiến chiến lược, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đặng Đức Song (SN 1934), nguyên Giám đốc nhà máy M1 – Bộ Tư lệnh thông tin, Bộ Quốc phòng là một trong những chiến sĩ đầu tiên tham gia chiến đấu tại cứ điểm lịch sử này với những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Dũng sĩ Đồi Xanh

Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng. Nơi đây còn là vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á.

Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống đây và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Khi ấy chàng thanh niên Đặng Đức Song vừa tròn 20 tuổi, được biên chế vào Đại đội 28, tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98 thuộc Đại Đoàn 316 là chiến sĩ xung kích, sau chuyển sang làm chiến sĩ liên lạc.

Đại tá Đặng Đức Song ở tuổi 20.

Trước Tết âm lịch, tháng 1/1954, đơn vị ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và giữ chốt khu vực Đồi Xanh (đồi 781) cạnh bản Tà Lèng. Gọi là Đồi Xanh vì trên đồi này có rất nhiều cây xanh tốt, nằm ở phía đông và cách cánh đồng Mường Thanh khoảng hơn 10km đường chim bay. Địch quyết đánh cứ điểm này nhằm ngăn chặn đường chuyển quân và đường kéo pháo của ta.

“Chúng tôi ăn Tết Nguyên đán tại Đồi Xanh vào đầu tháng 2. Ngày mùng một Tết, mỗi người được một miếng thịt trâu khô, một nắm xôi, ai hút thuốc thì được tặng một gói thuốc lào”, Đại tá Song nhớ lại.

Khi vào phòng ngự và sau gần 10 ngày đào hầm, hào công sự, rạng sáng ngày 3/3/1954, địch bắt đầu bắn đại bác, đồng thời cử khoảng một đại đội lên tấn công.

“Hôm ấy, địch tấn công 2 đợt, chúng tôi bắn dồn dập bắt chúng phải lui. Đến đợt 3, nó bắn đại bác kinh quá, tan tác hết cả quả đồi. Trung đội trưởng ra lệnh rút. Lúc đó, tôi đang ở mỏm cao không nghe thấy lệnh rút nên ở lại cùng hai người lính nữa. Cát bụi, cây cối bị cày xới hết cả, đất bắn vào người, khu Đồi Xanh giờ trở thành màu đất đỏ”, ông Song khi đó là Trung đội phó, cho hay.

Các chiến sỹ quân đội Việt Nam xông lên tiến đánh cứ điểm. Ảnh: Tư liệu

Đồng đội ở cách ông chừng 5m, bị địch ném lựu đạn bị thương ở cổ và hy sinh, chiến sĩ còn lại tiếp tục tiếp đạn cho ông để bắn. Một lúc sau thấy im tiếng súng, ông nghĩ là chắc địch không đánh nữa nhưng khi chú ý quan sát thấy địch đang bò lên đông tới cả trung đội ,nhấp nha nhấp nhô chỉ còn cách các ông chừng hơn chục mét.

“Bọn chúng hộ rất to xung phong rồi ném lựu đạn lên. Tôi đang quan sát để chỉnh khẩu trung liên chuẩn bị bắn thì địch ném quả lựu đạn mỏ vịt quay tròn bốc khói trắng kêu xè xè phía bên phải hố công sự, tôi đã dùng tay phải hất quả lựu đạn xuống dốc nổ tung đất lên, ở phía bên địch đang bò khiến địch bị thương, kêu ôi ối rồi lăn xuống suối”.

Đến ngày 5/3/1954, địch lại tiếp tục đánh, dồn mọi lực lượng mạnh nhất có được để chiếm lại Đồi Xanh. Lần này, chúng huy động ba, bốn xe tăng và hai tiểu đoàn tinh nhuệ lên đánh từ sáng sớm. Trên trời máy bay “bà già”, máy bay tiêm kích bắn bỏ bom, bắn phá từ 5h sáng đến 8h rồi địch cho quân tiến đánh ta. Lực lượng thuộc đơn vị Đại tá Song khi đó chỉ vỏn vẹn có 24 người nhưng đã đánh lui 6-7 đợt tấn công ác liệt của địch.

Ông Song nhận định: “Chúng tưởng đại bác đã dọn đường bắn phá tan tành nơi chúng tôi bố trí trận địa nên hùng hổ xông lên, không ngờ hầm phòng ngự của ta rất kiên cố nên địch không thể nào chiếm được Đồi Xanh, mặc dù lực lượng của chúng nhiều hơn chúng tôi hàng chục lần lại có máy bay, xe tăng yểm trợ”. Tuy nhiên, hôm đó đơn vị hy sinh 3 người và bị thương 5 người trong đó có ông. Ông bị thương vào chân tưởng bị nhẹ nên không đi viện nhưng bị nhiễm trùng sưng tấy, sốt cao không đi lại được.

Sau hôm đó, địch không đánh lên Đồi Xanh nữa, những chiến sĩ trẻ được Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 Vũ Lăng gắn huân chương Chiến công hạng nhất ngay trong chiến hào.

Ông nhớ như in lời của thủ trưởng động viên anh em. “Anh Vũ Lăng khi đó nói các đồng chí đã xuất sắc giữ vững trận địa, có ý nghĩa quan trọng để quân ta chuyển quân và làm đường kéo pháo, thứ hai thương vong ít, cho nên trên ủy nhiệm đến gắn huân chương cho các đồng chí. Ở quân đội ta đây là lần đầu tiên, rất vinh dự khi các đồng chí được nhận huân chương ngay trên mặt trận, chiến hào”, ông Song nhớ lại.

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Đặng Đức Song.

Khi đó ông Song đau chân không đứng được, phải ngồi ở bờ giao thông hào. Trung đoàn trưởng Vũ Lăng đang gắn huân chương cho bảy, tám chiến sĩ, liền hỏi còn ai nữa không thì một người hô vang “Thưa còn đồng chí Song ạ!”. Trung đoàn trưởng biết vậy nên đến chỗ ông Song đang ngồi gắn tấm huân chương Chiến công lên ngực áo và động viên ông yên tâm đi điều trị cho chóng khỏi để về đơn vị tiếp tục chiến đấu…

24 chiến sĩ (kể cả những người hy sinh) sau đó còn được tặng thêm danh hiệu "Dũng sĩ Đồi Xanh".

Kết thúc trận Đồi Xanh, ông tiếp tục tham gia trận đánh điểm C1. Cuối tháng 3/1954, ông được Đại đội điều sang Xung kích mũi nhọn và làm Tiểu đội trưởng. 

Ngày mít tinh mừng sinh nhật Bác của chiến sĩ Điện Biên

Đợt tiến công thứ ba vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rất mau lẹ. Ông nhớ lại, suốt đêm 6/5, các chiến sĩ ta chiến đấu rất anh dũng trong vòng vây. Tới sáng ngày 7/5/1954, nhờ pháo của ta bắn yểm trợ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng hạ lệnh xung phong. Quân ta như lớp lớp sóng trào lên, áp đảo, đè bẹp sự kháng cự của kẻ thù, 600 tên địch đã phải đầu hàng. Thừa thắng tiến công, toàn trung đoàn tiến thẳng vào Mường Thanh.

Trước khí thế như vũ bão của quân ta, tiếng loa gọi địch đầu hàng, những tốp cờ trắng xuất hiện rồi lan ra ngày càng nhiều. Đúng 17h30 ngày 7/5, De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng.

Quân ta áp giải hàng binh lê dương sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Thung lũng Điện Biên Phủ khi đó là rừng cờ trắng trải ra khắp các cứ điểm, hàng binh địch lũ lượt ra khỏi hầm, lên mặt đất. Những đôi mắt đờ dại chưa hết vẻ kinh hoàng đã lấp lánh vì mừng thoát chết. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.

Một buổi sớm sau ngày 7/5, mọi người đang đào hầm hào, thu dọn chiến lợi phẩm thì được lệnh tập hợp. “Chúng tôi thấy một người trong tốp bảy, tám người vừa đi đến, mặc áo bu dông xanh, cười rất tươi, lần lượt bắt tay từng chiến sĩ. Lúc đó một người trong đoàn mới giới thiệu người đứng trước mặt chúng tôi là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi sung sướng đến sửng sốt, không ngờ Đại tướng lại giản dị, gần gũi và thân thiết với chiến sĩ đến thế”, ông Song xúc động khi được gặp vị Tổng chỉ huy chiến dịch.

Đại tướng căn dặn “Thắng lợi rất lớn nhưng chúng ta đừng chủ quan! Phải giữ sức khoẻ vì còn chiến đấu”. Nhìn áo quần anh em xộc xệch, Đại tướng ân cần nói: “Mấy hôm nữa các đồng chí sẽ được cấp quần áo mới!”. Sự quan tâm gần gũi của Đại tướng tướng làm ông Song và các chiến sĩ khi đó vô cùng xúc động.

Buổi mít tinh kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19/5/1954 tại Mường Thanh năm ấy, các chiến sĩ Điện Biên phấn khởi, ai ai cũng xúng xính trong quân phục, giày tất mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ngay tại mặt trận. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Lật giở từng bức ảnh, từng trang hồi ký, thi thoảng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song dừng lại, trầm ngâm, ông bồi hồi nhớ về đồng đội, nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Câu chuyện ký ức về Điện Biên Phủ cứ tiếp nối trong một sáng đầu tháng 5 lịch sử, rồi kết thúc bằng những câu thơ trong bài thơ “Điện Biên lịch sử”, được ông sáng tác nhân kỷ niệm 50 năm chiến dịch thắng lợi:

“Nay về thăm đất miền Tây

Bồi hồi nhớ lại ngày này năm xưa 

Mường Thanh vào buổi xế trưa

Vải trắng, dù trắng Tây đưa lên đầu.

Tướng Đờ Cát, mặt buồn rầu

Đoàn quân bại trận, dẫn đầu là Y

Lính Pháp nổi tiếng chính quy

Nay mồm méo xệch, gối quỳ tay giơ!.

Thân hình tàn tạ bơ phờ,

Thực dân kiểu cũ đến giờ rã, tan

Quân ta hùng dũng hiên ngang

Dẫn đi hàng mấy chục ngàn tù binh.

Nửa đất nước được hòa bình

Điện Biên lịch sử quang vinh đời đời

Việt Nam dân tộc tuyệt vời

Kiên cường, bất khuất sáng ngời kỷ nguyên

‘Chín năm là một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng’”.

Trần Thường

'Các anh ở binh chủng gì mà súng to thế?'

'Các anh ở binh chủng gì mà súng to thế?'

Máy in của tòa soạn tờ QĐND ở mặt trận Điện Biên có khổ to, vóc dáng kỳ dị. Dân công nữ thì thào kháo nhau: “Các anh ấy không biết thuộc binh chủng gì mà “súng” to thế?
‘Loa Pháp ra rả đừng nghe lời Tướng Giáp, nhưng chúng tôi không nao núng’

‘Loa Pháp ra rả đừng nghe lời Tướng Giáp, nhưng chúng tôi không nao núng’

 Người lính già Nguyễn Hữu Chấp nay đã gần 90 tuổi nhưng ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ cách đây 65 năm vẫn còn nguyên vẹn.

150 ngày ở đồi Ngựa Hí

150 ngày ở đồi Ngựa Hí

33 số báo QĐND ra tại mặt trận Điện Biên Phủ ngốn 140 ngày của nhóm tòa soạn nhưng các phóng viên đã đi 5 tháng. Có những trải nghiệm không thể quên.
Một giờ đối mặt tướng De Castries

Một giờ đối mặt tướng De Castries

"Máu" nghề báo khiến Nguyễn Khắc Tiếp quyết định liều "xé rào" quy định của cấp trên hạn chế tiếp cận tù binh quan trọng nhất của trận chiến Điên Biên Phủ - tướng De Castries.
Quyết chiến ở Điện Biên Phủ

Quyết chiến ở Điện Biên Phủ

Cụ Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, Cục Quân báo, Bộ tổng tham mưu biết nhiều thông tin mà cụ cho là sử sách không đề cập hết.