Báo cáo tới Bộ Công Thương, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, 93% hội viên là doanh nghiệp tư nhân, có quy mô nhỏ và vừa, với số lao động trung bình khoảng hơn 200 người, sản xuất cơ khí, khuôn mẫu, tự động hóa, nhựa - cao su, điện - điện tử, vật liệu, phần mềm, dịch vụ công nghiệp...

Các năm qua, với sự chủ động của doanh nghiệp và đồng hành của các chương trình hỗ trợ, trong đó có chương trình phát triển CNHT của Cục Công nghiệp, năng lực của hội viên VASI và doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã gia tăng đáng kể, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các công ty đầu chuỗi tại Việt Nam và xuất khẩu, bao gồm các ngành hạ nguồn như xe máy, điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo… Khu vực tham gia được nhiều nhất vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là các chi tiết linh kiện kim loại và nhựa kỹ thuật. Khu vực yếu nhất là linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, ngành CNHT Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hôi mở rộng về lĩnh vực phát triển. Các lĩnh vực mới nổi lên ở Việt Nam mà doanh nghiệp CNHT rất quan tâm là: ô tô điện (EV), bán dẫn (semiconductor) và công nghiệp năng lượng tái tạo. Ngoài ra là các lĩnh vực cung ứng cho hàng khộng, vũ trụ.

Theo đó, các doanh nghiệp hội viên VASI đã sản xuất nhiều loại linh kiện cho ô tô điện, hơn 100 linh kiện khác nhau cho turbin của điện gió, cho các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong các lĩnh vực này. VASI cũng dự kiến xúc tiến thành lập hội chuyên ngành semiconductor gồm một số công ty FDI và Việt Nam quan tâm.

W-tong-cty-sx-thiet-bi-viettel.jpg
Sản xuất tại Tổng công ty thiết bị Viettel (ảnh: Băng Dương)

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng Giám đốc Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel – nhà cung cấp cho hãng máy bay Boeing cho hay, lĩnh vực CNHT cho hàng không đòi hỏi trình độ cao, tính chính xác tuyệt đối. Cơ khí chính xác trong ngành này buộc phải đạt trình độ tiêu chuẩn thế giới, đạt chứng nhận của hãng bay. Do đó, cả nước có rất ít DN đáp ứng được, ước chỉ có 5 DN.

Tuy nhiên, gia nhập được chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ thì DN sẽ lớn mạnh. Giá trị đơn hàng sẽ rất lớn.

Mặt khác, Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất bán dẫn. Một số điểm nhấn đáng chú ý như: Nhà máy Amkor Technology Việt Nam với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD; Hana Micron Vina với tổng đầu tư 600 triệu USD (dự kiến 1 tỷ USD vào năm 2025); Intel Việt Nam hơn 1 tỷ USD; Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam... Dự kiến đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Ước tính ngành công nghiệp bán dẫn Việt sẽ cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.

Việt Nam hiện có khoảng 40 – 50 công ty thiết kế vi mạch với tổng số khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế. Ước tính nhu cầu nhân sự của mảng này mỗi năm tăng 10 – 15%, đồng nghĩa cần khoảng 500 kỹ sư mới/năm, chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử.

Vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó ghi nhận Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ trị giá 2 triệu USD cho Việt Nam.

chip-5g-viettel-make-in-vn-1-1.jpg
Sản phẩm chip 5G của Viettel 

Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam bứt phá. 

Do đó, VASI cho rằng, cần sớm có các chính sách đối với các lĩnh vực mới,. Hiệp hội nhấn mạnh, chính sách cần được dự báo trước, có định hướng rõ rệt và tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước, không để bị động như các ngành công nghiệp tiêu dùng trước đây (xe máy, ô tô, điện tử gia dụng, điện thoại…).  Cụ thể như, cần sớm ban hành chính sách liên quan đến định hướng và ưu tiên phát triển, kể cả yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa, cho các ngành mới nổi, như: turbin cho điện gió, các tấm quang năng cho điện mặt trời, công nghiệp bán dẫn, ô tô điện, hàng không vũ trụ. Từ đó, các doanh nghiệp CNHT có căn cứ để chuẩn bị nguồn lực và định hướng đầu tư sản xuất dài hạn. 

Hiện, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ tờ trình sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, danh sách các sản phẩm CNHT đã được cập nhật với nhiều sản phẩm mới liên quan công nghệ số.

Ví dụ như trong nhóm các sản phẩm CNHT công nghệ cao, Bộ Công Thương bổ sung thêm các loại vi mạch điện tử để phát triển các thiết bị thông minh, thế hệ mới; camera kỹ thuật số, thiết bị nghe nhìn tích hợp Internet kết nối vạn vật IoT; các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; pin mặt trời, pin hiệu năng cao; các động cơ điện; các cụm linh kiện, phụ tùng của vệ tinh, hệ thống hàng không, vũ trụ, thiết bị điều khiển bay, thiết bị định vị toàn cầu, robot; vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu bền…

Băng Dương